Cơn bão số 9 được đánh giá là 1 trong những cơn bão lớn nhất trong vòng 20 năm qua đã đổ bộ đất liền trong một ngày và gây ra không ít thiệt hại cho các tỉnh miền Trung.
Khi cơn bão đã đi qua, người ta chủ quan tưởng chừng bình yên đã tới. Và đây là thời điểm rất nguy hiểm bởi nguy cơ những trận mưa như trút nước, có thể gây ra lũ lụt tại khu vực ở gần tâm bão sẽ tiếp tục.
Hoàn lưu bão thậm chí còn gây ra những thiệt hại lớn hơn cả khi bão đổ bộ. Bão đi qua, những tổn hại còn chưa thống kê hết thì sẽ còn những nguy cơ tiếp tục.
Trao đổi với phóng viên VTV trong chương trình Vấn đề hôm nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương khẳng định, bão số 9 là cơn bão đặc biệt nguy hiểm với cường độ gió lớn, thời gian vào Biển Đông rất ngắn và đổ bộ thẳng vào miền Trung – nơi bị tổn thương bởi 3 đợt lũ chồng lũ thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường
Đến lúc này hoàn lưu sau bão số 9 đã ra khỏi địa phận nước ta. Mưa gió ở khu vực Đà Nẵng xuống Phú Yên và Bắc Tây Nguyên giảm nhanh. Vấn đề lo ngại lúc này là mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất bởi từ gió đông sau bão kết hợp với không khí lạnh xuống vùng mưa sẽ dịch lên phía Bắc, tập trung ở Thừa Thiên Huế trở ra Nghệ An có nơi vượt 500mm.
Địa hình sông suối ngắn dốc sẽ dễ tạo ra một đợt lũ lớn, một số sông vượt báo động 3. Đây lại là những nơi vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Lũ quét, sạt lở đất xảy ra quy mô nhỏ nhưng rất nhanh và sức tàn phá cực kỳ lớn, là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn về người. Trung bình mỗi năm có 50 người thiệt mạng và mất tích do lũ quét, sạt lở đất. Mưa lũ trở lại trong bối cảnh miền Trung vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử, nền đất đá đã bị phá hủy thì sạt lở càng dễ xảy ra.
Về hoàn lưu bão số 9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Cơn bão số 9 đi qua, không có nghĩa rằng bình yên trở lại nếu chúng ta không tập trung chú ý đặc biệt".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết có 3 nguy cơ lớn. Thứ nhất, tại toàn bộ khu vực sườn phía Tây của 6 tỉnh trọng điểm, đất trong rừng đã ngập trương nước do đó rất dễ sạt lở, bất kể lượng mưa nhỏ nào cũng là "giọt nước tràn ly".
Thứ 2, lưu vực các tỉnh này đã đầy ắp nước, nhiều lưu vực đến báo động 3, thậm chí là báo động lịch sử. Thứ 3, suốt 1 tháng qua, ngư dân đã nằm bờ do lũ chồng lũ, bão chồng bão. Gió vẫn sẽ gây ra sóng cao. Nếu không cẩn thận thì sự không an toàn từ phía biển vẫn còn.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại Quảng Nam - tâm điểm đổ bộ của cơn bão số 9, khoảng 100 người dân dù đã được di dời nhưng sau đó quay lại bám trụ tàu. Đúng thời điểm bão đang còn rất mạnh nhưng đã không ít người còn chưa có ý thức đúng, gây nguy hiểm cho chính mình và công tác phòng chống bão. Tinh thần cảnh giác, tuân thủ những chỉ dẫn phối hợp của các cơ quan có nhiệm vụ là rất quan trọng trước, trong và sau thiên tai.
Khi bão tới, chúng ta căng mình ra chống chọi, tất cả mọi người, mọi cơ quan đều ở mức báo động cao nhất nhưng bão dù tàn phá mạnh nhưng qua đi nhanh và thiệt hại có thể giảm thiểu nhiều khi chúng ta có ý thức phòng bị, còn hoàn lưu bão thì có thể gây ảnh hưởng diện rộng hơn nhiều, tác hại lâu hơn. Chỉ có điều, ý thức của người dân, của các cơ quan cũng lơ là đi ít nhiều chính là nguy cơ lớn nhất khiến cái giá phải trả sau bão có thể còn lớn cả khi bão đổ bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!