Các bác sĩ BV Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật Realtime PCR xét nghiệm chẩn đoán Adenovirus. (Ảnh: VGP)
Bên cạnh dịch COVID-19, đã có hơn 300 trẻ nhập viện, 6 ca tử vong do virus Adeno từ đầu năm đến nay.
Chỉ riêng tháng 8, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng đột biến. Cục Y tế dự phòng, (Bộ Y tế) hôm 21/9 đã có văn bản yêu cầu tăng cường giám sát, không để bùng dịch.
Yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố - giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa, viêm não, màng não,…
Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người, cũng có thể qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, dùng chung đồ với người bệnh.
Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. Các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do virus Adeno nói riêng, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm virus đường hô hấp cũng như các virus khác.
Các chuyên gia khuyến cáo: phụ huynh và trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine để phòng các bệnh lý hô hấp khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!