Ngày mai (3/12), tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ 2 năm 2020 với chủ đề: "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước".
Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, chiếm gần 15% dân số cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với hệ thống chính sách bao phủ toàn diện và ưu tiên nguồn lực đầu tư, sự chủ động của người dân, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển đột phá vươn lên mạnh mẽ, tạo sự bứt phá, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động vươn lên thoát nghèo.
Trong các năm, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học ở vùng dân tộc thiểu số. Hiện đã có 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện, lỵ được cứng hóa; gần 97% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm 2-3%. Giai đoạn 2010-2020 chỉ tính riêng chương trình 135 và các chính sách dân tộc, ngân sách trung ương đã đầu tư 30.000 tỷ đồng. Điểm nổi bật là ở nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động vươn lên thoát nghèo.
Nhằm cụ thể hóa Kết luận số 65- KL/T. Ư ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua nghị quyết 88, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là bước đột phá trong chính sách của Đảng và nhà đối với công tác dân tộc; trở thành chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3, bên cạnh 2 chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Đây là lần đầu tiên, Quốc hội ban hành nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là sự tích hợp lại các chính sách nhằm tập trung trong đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán. Tổng nguồn kinh phí cho chương trình này lên đến hơn 104.000 tỷ đồng.
Đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững, dành riêng một Chương trình mục tiêu quốc gia đã khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước sớm đưa vùng này phát triển toàn diện, bền vững, đi lên cùng cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!