"Các bạn trẻ ở ASEAN có mối quan tâm chung tới phát triển bền vững và những công nghệ mới"

Thùy Chi-Thứ hai, ngày 27/11/2023 14:21 GMT+7

VTV.vn - Trải nghiệm tại Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (AYF) đã giúp những đại diện trẻ tại Việt Nam nhận thấy mối quan tâm chung của những người trẻ tại Đông Nam Á.

Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (ASEAN Youth Fellowship - AYF) là chương trình diễn ra hằng năm do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) và Hội đồng Thanh niên quốc gia Singapore (NYC) đồng tổ chức.

Với chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", chương trình năm nay phù hợp với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia. Với các chủ đề như: Cơ hội và thách thức ở ASEAN; Xây dựng thế hệ trẻ kiên cường thành những nhà lãnh đạo tương lai; Hợp tác vì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng khu vực, chương trình năm nay đã đem đến cơ hội cho các bạn trẻ ưu tú trao đổi với các nhà lãnh đạo tại các quốc gia ASEAN trong các vấn đề này

Trong hành trình của AYF, tại Hà Nội, từ ngày 1- 4/11 năm 2023, các nhà lãnh đạo trẻ đã đến thăm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để tìm hiểu cách đơn vị này hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các bạn trẻ cũng đến thăm KOTO, một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi ở Việt Nam thông qua chương trình đào tạo kỹ năng cho ngành dịch vụ khách sạn.

Tham gia AYF, Nguyễn Anh Tuấn với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, truyền thông, giáo dục cũng như tự mình khởi nghiệp và Nguyễn Thị Huyền, một doanh nhân xã hội với nhiều nỗ lực các các hoạt động xã hội như trao quyền cho giới trẻ, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và giảm rác thải nhựa là hai trong số các đại diện lãnh đạo trẻ từ Việt Nam tại chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN 2023.

Các bạn trẻ ở ASEAN có mối quan tâm chung tới phát triển bền vững và những công nghệ mới - Ảnh 1.

Nguyễn Anh Tuấn

Các bạn trẻ ở ASEAN có mối quan tâm chung tới phát triển bền vững và những công nghệ mới - Ảnh 2.

và Nguyễn Thị Huyền là hai đại diện của Việt Nam tham chương trình Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (AYF) 2023

Cảm nhận của các bạn sau khi tham gia chương trình AYF năm nay, đặc biệt là khi chương trình diễn ra tại Việt Nam?

Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên gia phân tích đầu tư (Venture Analyst), Quỹ VSV Foundation: Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn vì đã được lựa chọn để tham gia chương trình, nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, có thêm nhiều mối quan hệ, được mở rộng tầm nhìn và có thêm sự tự tin để bước tiếp trên con đường Phát triển Bền vững.

Chương trình được tổ chức tại Việt Nam vào năm nay khiến tôi cảm thấy trách nhiệm của mình với Đất nước và con người Việt Nam khi là một người trẻ, còn nhiều năng lượng, thời gian để nỗ lực phấn đấu.

Nguyễn Thị Huyền, Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Điều hành, Tổ chức EVOL Vietnam: Tôi thấy được sự tổ chức chuyên nghiệp, chỉn chu và chuyên tâm của ban tổ chức ở cả Singapore và Việt Nam. Đặc biệt, đồng thời chương trình cũng tạo ra được một môi trường kết nối rất thoải mái và gắn kết cho các đại biểu của chương trình.

Chương trình quy tụ những nhà lãnh đạo trẻ đến từ các nước Đông Nam Á. Đâu là điểm chung và điểm khác biệt trong mối quan tâm, cách nhìn nhận hay câu chuyện của những người bạn mà các bạn đã gặp? Điều gì khiến các bạn ấn tượng hơn cả?

Nguyễn Anh Tuấn: Về điểm tương đồng, mọi người đều có chung mối quan tâm tới Phát triển bền vững và những công nghệ mới. Bên cạnh đó, mọi người đều rất cởi mở, nhanh chóng trở thành bạn của nhau và quan tâm chăm sóc nhau trước những thử thách của chương trình.

Về điểm khác biệt, văn hóa là điểm khác biệt lớn nhất ở các thành viên của chương trình, bởi họ đến từ 10 quốc gia khác nhau, với nhiều tôn giáo, phong tục tập quán khác nhau. Tôi ấn tượng nhất với các bạn đến từ Brunei, khi họ đặc biệt quan tâm tới vấn đề thực phẩm họ ăn trong chương trình. Một bạn khác đến từ Thái Lan thì rất thương cảm với cây cối, khi chúng bị những người công nhân cắt tỉa, theo bạn, họ đang cắt quá nhiều.

Nguyễn Thị Huyền: Đây là chương trình quy tụ 40 đại biểu là những lãnh đạo trẻ đến từ khắp các lĩnh vực, các cộng đồng và quốc gia khác nhau của Đông Nam Á.Điều tương đồng của các lãnh đạo trẻ ở đây là họ đều là những người trẻ của khu vực Đông Nam Á, quan tâm đến các vấn đề phát triển của khu vực cũng như có cùng tâm huyết muốn phát triển cộng đồng Đông Nam Á trở nên bền vững và phát triển hơn trong tương lai bằng chính những kinh nghiệm, chuyên môn và góc nhìn của họ và đó cũng là điều mang lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất.

Các bạn trẻ ở ASEAN có mối quan tâm chung tới phát triển bền vững và những công nghệ mới - Ảnh 3.

Các nhà lãnh đạo trẻ tham quan nhà kính thủy canh tại Comcrop, công ty đầu tiên của Singapore chuyên nuôi trồng thực phẩm thương mại trên mái nhà

Theo bạn, đâu là kết quả lớn nhất của chương trình AYF năm nay và mong muốn của các bạn về sự thay đổi xã hội tích cực trong khu vực với những chương trình như AYF?

Nguyễn Anh Tuấn: Kết quả rõ ràng nhất của AYF là giúp cho những người lãnh đạo trẻ ở ASEAN hiểu hơn về các nước láng giềng, sự giống và khác nhau giữa 10 quốc gia ASEA và tầm quan trọng của việc xích lại gần nhau hơn, hợp tác cùng nhau để đối mặt với những thách thức không thể giải quyết đơn phương, đối thoại với những đất nước lớn hơn ngoài khu vực.

Thứ hai, chương trình đã tạo ra một cộng đồng những người bạn trẻ đến từ 10 quốc gia ASEAN. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau khi có dịp tới thăm đất nước của nhau, lên kế hoạch cho những chuyến đi chung, và cả những sự hợp tác chung trong công việc. Tình bạn này sẽ lan tỏa rộng hơn và làm gắn kết hơn các quốc gia ASEAN lại với nhau.

Nguyễn Thị Huyền: Theo tôi, kết quả lớn nhất của AYF năm nay chính là đã tạo được một môi trường cho 40 nhà lãnh đạo trẻ cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ, đối thoại, trao đổi, xây dựng các chương trình và dự án tiềm năng để phát triển khu vực ĐNA.

Chúng tôi đã dành thời gian trao đổi khá nhiều về những gì chúng tôi và cộng đồng trong nước chúng tôi đã đạt được và đang làm nhằm hướng tới sự phát triển chung, cũng như chia sẻ góc nhìn của chúng tôi về lĩnh vực mà chúng tôi có cùng mối quan tâm và tiềm năng phát triển của lĩnh vực đó ở tầm khu vực.

Tôi hy vọng những dự án mà chúng tôi đã thảo luận và xây dựng ấy sẽ có đủ cơ hội để đưa vào thực tế, giúp định hình và phát triển hơn nữa khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Hai bạn đang ở tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có những dấu ấn trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp cũng tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Các bạn có lời khuyên gì với các bạn trẻ, nhất là các bạn còn đang mông lung trước ngưỡng cửa cuộc sống?

Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng mông lung là chuyện thường. Đừng đặt quá nhiều cảm xúc vào sự mông lung, nỗi sợ hay những điều tiêu cực khác. Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, làm nhiều việc bạn cho là quan trọng. Những thứ đó giống như nhiều góc nhìn mới, sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn bản thân và con đường phía trước.

Nguyễn Thị Huyền: Tôi chỉ dựa vào những gì mình đã trải nghiệm qua, đúc kết nó và muốn nói với các bạn trẻ rằng hãy cứ mạnh dạn dấn thân, mạnh dạn kết nối và sẵn sàng thử nghiệm những lĩnh vực mới để tìm ra hướng đi phù hợp cho bản thân. Nếu có cơ hội, hãy tìm cho mình một người Mentor, như thế chặng đường bạn đi sẽ bớt chông gai và sẽ thú vị và thêm ý nghĩa hơn.

Các bạn trẻ ở ASEAN có mối quan tâm chung tới phát triển bền vững và những công nghệ mới - Ảnh 4.

Các nhà lãnh đạo trẻ học pha chế cà phê trứng tại Know One Teach One (KOTO) tại Hà Nội.

Các bạn có thể chia sẻ thêm về kế hoạch trong tương lai, sau những trải nghiệm và hành trình AYF?

Nguyễn Anh Tuấn: Tôi sẽ nỗ lực để giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về thế mạnh của bản thân, đất nước, đồng thời học tập, ứng dụng những tiến bộ trên thế giới, từ đó có thể tự tin hợp tác với bạn bè nước ngoài, giải quyết những vấn đề về phát triển bền vững. Những vấn đề ấy không thể được giải quyết nếu không có sự hợp tác quốc tế. Cụ thể hơn, tôi sẽ chia sẻ về những hiểu biết, trải nghiệm của bản thân mình với các bạn trẻ khác, đồng thời sẽ kết nối các bạn trẻ xuất sắc từ nước ngoài với các bạn trẻ Việt Nam để giải quyết những vấn đề về phát triển bền vững.

Các bằng hữu từng tham gia chương trình AYF cũng có thể tham gia Quỹ tác động AYF. Tôi đang lên kế hoạch để sử dụng nguồn quỹ này để đưa các tài năng trẻ trong khu vực về giúp đỡ những doanh nghiệp truyền thống, vốn đang gặp khó khăn về chuyển đổi số, hội nhập với thời đại mới.

Nguyễn Thị Huyền: Trong quá trình tham gia chương trình, tôi đã có cơ hội trao đổi với các đại biểu đến từ các nước khác trong khu vực và chúng tôi cũng đã trao đổi một số dự án tiềm năng có thể hợp tác giữa các quốc gia. Tôi hy vọng những dự án đó sẽ có thể đưa vào hiện tiễn trong tương lai gần để chúng tôi có thể hiện thực hóa kế hoạch xây dựng cộng đồng Đông Nam Á bền vững và phát triển hơn.

40 nhà lãnh đạo trẻ tham dự chương trình ASEAN Youth Fellowship 40 nhà lãnh đạo trẻ tham dự chương trình ASEAN Youth Fellowship

VTV.vn -​​ Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN 2023 (ASEAN Youth Fellowship) nhằm tìm kiếm để phát triển và kết nối các nhà lãnh đạo trẻ mới hoạt động trong khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước