Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
Nhiều ý kiến tại hội thảo đánh giá cao những giải pháp chống dịch tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Trong đó, đặc biệt nhiều ý kiến ủng hộ chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam.
Theo GS TS BS Đinh Xuân Anh Tuấn - thành viên Taskforce Hội chứng COVID mãn tính của Liên minh châu Âu: "Chúng ta chỉ có hai phương cách để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID. Thứ nhất là giãn cách xã hội và cách ly cho mỗi cá nhân hay phong tỏa cho một tập thể nếu cần. Thứ nhì là tiêm ngừa vaccine. Trong giai đoạn đầu của dịch COVID, biện pháp thứ nhất có thể đủ nhưng bước qua giai đoạn thứ nhì có nghĩa là giai đoạn hiện tại, ta cần phải làm cả hai. Vì thế nên có đủ số lượng vaccine là điều cực kỳ cần thiết và khẩn cấp. Trong chiều hướng này, chúng tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để giải quyết vấn đề khó khăn này. Việc phân định ưu tiên cho ai sẽ được tiêm vaccine trước là vấn đề cực kỳ quan trọng vào thời điểm này để tránh việc làm quá tải các bệnh viện Trung ương và các đơn vị chuyên môn sâu về hô hấp, về hồi sức".
"Đứng trên góc độ chuyên môn, các chuyên gia và nhà khoa học của AVSE Global đánh giá rất cao nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc mang về vaccine để tiêm cho người dân" - ThS. Nghiên cứu sinh Y tế công cộng Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ nói.
"Tiêm vaccine COVID cho người cao tuổi và người có bệnh nền là khá an toàn. Các phản ứng phụ, kể cả sốc phản vệ ở nhóm này không nhiều hơn so với các nhóm khác như người trẻ tuổi hay không có bệnh nền. Vì vậy, chúng ta, người dân cũng như các nhân viên y tế không nên e ngại khi tiêm vaccine cho người cao tuổi và người có bệnh nền" - TS. Bác sĩ Nguyễn Nhất Linh - chuyên gia dịch tễ tại WHO tại Thụy Sĩ cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!