Hơn 3.000 người trên các lồng bè, chòi canh, khu vực nguy hiểm ở Quảng Ninh đã được sơ tán
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có địa hình nằm cả trên đất liền và nhiều đảo, dự kiến sẽ nằm trong vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão số 3. Khoảng nửa đêm 6/9 đến sáng sớm ngày 7/9, đảo Cô Tô sẽ bắt đầu có gió mạnh do ảnh hưởng của bão. Gió tại huyện đảo này dự báo lên tới cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trên đất liền Quảng Ninh, gió có thể ở mức cấp 10 đến cấp 12.
Mọi hoạt động tham quan trên Vịnh Hạ Long đã được tạm dừng, du khách về bờ an toàn (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tính đến 17 giờ hôm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hơn 3.000 người trên các lồng bè, chòi canh, khu vực nguy hiểm đã được sơ tán, hơn 5.500 tàu đã được đưa về nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ khách du lịch tại Vịnh Hạ Long, Đến 10h30 hôm nay, mọi hoạt động tham quan trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đã được tạm dừng; du khách về bờ an toàn.
Công tác đảm bảo cung ứng điện và thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng được triển khai khẩn trương. Đặc biệt là công tác đảm bảo thông tin liên lạc giữa đất liền với tuyến đảo tiền tiêu Cô Tô.
Hải Phòng: Di dời dân khỏi chung cư cũ nát để phòng bão
Thành phố Hải Phòng dự báo là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Thị trấn Cát Hải là khu vực trọng yếu nằm ngay sát biển nên trong ngày hôm nay lực lượng địa phương đã phát loa thông báo và tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.
Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại điểm xung yếu Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (quận Hải An). Ảnh: TTXVN
Khu vực này có 200 hộ dân với khoảng 700 người, đặc biệt có nhiều người già và trẻ nhỏ. Các lực lượng như dân quân tự vệ, bộ đội, công an địa phương đã hỗ trợ di dời tới các nhà ở phía trong, các nhà tránh trú đều là nhà 2 tầng kiên cố để đảm bảo an toàn. Việc di dời dân sẽ hoàn thành trước 20h ngày 6/9.
Chiều nay, các quận trung tâm thành phố Hải Phòng cũng đã lên phương án di dân khỏi những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố. 158 trường học trên địa bàn thành phố được trưng dụng làm nơi tránh trú cho nhân dân để ứng phó với bão số 3.TP Hải Phòng cũng quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9.
1.700 tàu thuyền với 5.000 ngư dân ở Nam Định đã về nơi tránh trú an toàn
Tỉnh Nam Định là một trong những địa phương ven biển, dự báo chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong cả ngày hôm nay, địa phương này đang gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho người dân.
Toàn tỉnh Nam Định có khoảng 80.000 ha lúa và hoa màu. Xen kẽ với đó là hơn 14.000 ha nuôi trồng thủy hải sản. Ngay sau khi có thông báo về cơn bão số 3, cả người dân và các địa phương đã lên phương án để ứng phó.
Hoạt động đánh bắt ngoài vùng biển cũng đã dừng lại từ sáng ngày hôm nay. Khoảng 1700 tàu thuyền với 5000 ngư dân đã về nơi tránh trú an toàn.
UBND tỉnh Nam Định cũng đã di dời người dân tại nhiều khu vực ven biển nguy hiểm. Đồng thời lên phương án cứu nạn cứu hộ, sơ tán các khu vực khác khi cần thiết.
Thái Bình triển khai ứng phó bão với phương châm "4 tại chỗ"
Tỉnh Thái Bình cũng là một trong những địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hiện tỉnh này đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" không chủ quan và sẵn sàng mọi biện pháp, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.
Tại cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, chính quyền và bà con đang gấp rút triển khai đóng bổ sung cọc trụ để các thuyền được gia cố tốt hơn trước khi bão vào. Âu tàu này đang có 250 tàu cá neo đậu tránh trú bão. 20 cọc trụ sẽ phải hoàn thành đóng xuống trong hôm nay để các tàu cá buộc neo vào thêm phần chắc chắn.
Toàn tỉnh Thái Bình có 995 phương tiện tàu thuyền với gần 3000 lao động. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, toàn bộ các tàu thuyền này hiện đã được neo đậu an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh.
Toàn bộ lao động trông coi chòi ngao và ở các đầm nuôi trồng thủy hải sản cũng đã di dời vào nơi an toàn Tỉnh Thái Bình có hơn 7.700 hộ dân sống trong nhà yếu, nhà tạm. Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác di dời, sơ tán những hộ dân này đến khu vực an toàn.
Đối với 37 khu vực xung yếu, Tỉnh Thái Bình đã xây dựng phương án với từng vị trí và với phương châm 4 tại chỗ để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện nếu có sự cố xảy ra sẽ ứng cứu kịp thời.
1 triệu ha lúa mùa ảnh hưởng bão
Với lượng mưa gây ra do bão số 3 tại khu vực Bắc Bộ như dự báo, sẽ có khoảng 15.000 - 20.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng. Riêng lúa, nếu tính từ Thừa Thiên Huế ra các tỉnh Phía Bắc thì có khoảng 1 triệu ha lúa mùa bị ảnh hưởng, trong đó đa số ở giai đoạn làm đòng, trổ bông...
Dự kiến 1 triệu ha lúa vụ mùa này cho sản lượng khoảng 6 triệu tấn. Nếu không bảo vệ được thì khó hoàn thành mục tiêu sản xuất 43 triệu tấn lúa cả năm 2024. Cục Trồng trọt khuyến nghị với diện tích 1 triệu ha lúa mùa phải có phương án tiêu nước triệt để, sau đó vẫn cần tính toán ngập úng do hoàn lưu sau bão và xả lũ của các hồ thủy điện, đặc biệt 5 tỉnh Đồng bằng sông Hồng là: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình.
Bên cạnh đó, có khoảng 63.000ha rau màu và cây ăn quả khác cũng cần theo dõi, tính toán. Riêng cây dài ngày, cây công nghiệp cần cắt tỉa phần ngọn để hạn chế chiều cao, chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ ngã.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!