Cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh chưa đạt nổi 1%: Vướng mắc do đâu?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/11/2023 20:00 GMT+7

VTV.vn - Giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cải tạo, xây mới gần 500 chung cư cũ, nhưng đến nay mục tiêu này chỉ đạt chưa đến 1%.

Xử lý chung cư cũ không đạt tiến độ

Theo kết quả giám sát gần đây của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương hầu như không đạt. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ cải tạo, xây mới 474 chung cư cũ, nhưng đến nay, thành phố mới hoàn thành cải tạo, xây mới được 3 chung cư, tức chưa đến 1%.

Còn theo thông tin Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thì trên địa bàn thành phố hiện có 16 chung cư cũ cấp D, tức bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cần phải di dời, tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ. Tổng số căn hộ này khoảng hơn 1.100 căn, trong đó sở hữu nhà nước hơn 300, sở hữu tư nhân hơn 800 căn. Đến nay, thành phố đã thực hiện di dời hơn 600 trên tổng số hơn 1.100 hộ dân; đã tháo dỡ 4/16 chung cư cũ cấp D, với diện tích sàn tháo dỡ khoảng hơn 14.000/46.000 m2 sàn.

Cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh chưa đạt nổi 1%: Vướng mắc do đâu? - Ảnh 1.

Xử lý chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh không đạt tiến độ.

Cần hành lang pháp lý cho xử lý chung cư cũ

Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sau hơn 8 năm triển khai thi hành, Luật Nhà ở năm 2014 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Đó là việc tổ chức thi hành pháp luật về quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khiến kế hoạch cải tạo xây dựng chung cư cũ ở nhiều nơi chưa thể hoàn thành. Ngoài ra, việc chưa tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân cũng là một rào cản lớn.

Chung cư Tôn Thất Thuyết tại quận 4, TP Hồ Chí Minh được kiểm định là chung cư cấp D rất nguy hiểm có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Thế nhưng, hồi trần bê tông rớt xuống nhưng người dân vẫn không di dời, dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động.

Anh Nguyễn Ngọc Thuận - Chung cư Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và con cái đi học đi hành, nếu mà di dời đó là vấn đề khó khăn cho người dân ở đây. Cho nên chính quyền muốn di dời phải họp rất kỹ, bàn bạc rất kỹ và người dân đồng ý mới được".

Cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh chưa đạt nổi 1%: Vướng mắc do đâu? - Ảnh 2.

Cần hành lang pháp lý cho xử lý chung cư cũ.

Mặc dù thành phố đã chuẩn bị đủ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và chấp thuận giao cho Ủy ban Nhân dân các quận sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước này để tạm cư, tái định cư cho các hộ dân đang cư ngụ tại chung cư cấp D, nhưng trong quá trình thực hiện nhiều người dân vẫn chưa đồng thuận. Theo các chuyên gia, khi khảo sát thì nguyện vọng lớn nhất của người dân là được mong muốn tái định cư tại chỗ.

Do phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân hiện hữu của khu vực, nên việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000, 1/500 gặp vướng khó kéo dài, chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó mời gọi được nhà đầu tư tham gia.

Đối với cơ chế miễn tiền sử dụng đất, theo pháp luật về nhà ở thì thực hiện được cơ chế này, nhưng theo pháp luật về đất đai và tài chính thì không thống nhất với pháp luật nhà ở, không rõ ràng và còn nhiều vướng mắc và nhiều cách hiểu khác nhau.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi đề nghị là có những chính sách ưu đãi chủ đầu tư để thực hiện chính sách cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, chẳng hạn như ưu đãi về mật độ xây dựng, về hệ số sử dụng đất để tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng lại nhà chung cư mới tái định cư 100% người dân ở đó. Đồng thời cũng dư ra một số căn hộ để chủ đầu tư bù đắp lại chi phí đầu tư. Thứ hai là ưu đãi về tín dụng đối với chủ đầu tư.

Bên cạnh đó chúng tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cũng như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là miễn tiền sử dụng đất đối với dự án cải tạo sửa chữa nhà chung cư mà đã được quy định trong Nghị định 69 của Chính phủ".

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ sửa cùng một lúc 3 luật có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Điều này được đánh giá là cơ hội "ngàn năm có một" để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

"Thay áo mới" cho nhiều chung cư cũ tuổi đời trên 50 năm

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, một số đại biểu đã kiến nghị cần tính toán đến việc quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư. Điều này sẽ là yếu tố thuận lợi hơn cho quá trình di dời, cải tạo, nếu chung cư đã xuống cấp.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn khiến việc cải tạo chung cư cũ chậm tiến độ, quận 5, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phong trào vận động cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị, vận động người dân, doanh nghiệp và nhà nước cùng làm. Sau hơn 1 tháng thực hiện việc sửa chữa, nhiều chung cư cũ trên địa bàn quận đã được "thay áo mới". Trong khi đợi những chính sách, cơ chế mới, việc xã hội hóa cải tạo chung cư đang là một hướng đi cần tham khảo.

Chung cư 38 Học Lạc, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh vừa được khoác lên một diện mạo mới. Các hệ thống như lối đi chung, trần nhà đều đã được sơn sửa lại như mới. Với nhiều người dân sống lâu năm ở đây, chứng kiến sự thay da đổi thịt sau của chung cư sau hơn 50 chục năm là điều vui mừng nhất.

"Chung cư này đã lâu, mấy chục năm. Hôm chung cư có họp để sửa chữa, tu sửa lại thì tôi thấy rất là hoàn hảo, rất đẹp", bà Trần Điểm - người dân chung cư 38 Học Lạc, quận 5, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh chưa đạt nổi 1%: Vướng mắc do đâu? - Ảnh 3.

Trong khi đợi những chính sách, cơ chế mới, việc xã hội hóa cải tạo chung cư đang là một hướng đi cần tham khảo.

Không chỉ sơn sửa, chung cư còn được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và camera. Để có kinh phí sửa chữa, chính quyền địa phương đã đi vận động các hộ dân. Còn lại bao nhiêu, phường sẽ đi vận động tiếp các mạnh thường quân.

Ông Ngô Quang Long - Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh cho hay: "Phải trao đổi, quán triệt cho người dân hiểu tại sao phải nâng cấp sửa chữa là vì chung cư của mình đã xây dựng trước năm 75 cho đến nay cũng hơn 50 năm, nên nó có xuống cấp. Do đó muốn sống an toàn phải sửa chữa".

Ngoài chung cư trên, chung cư 980-986 Nguyễn Trãi cũng được cải tạo sửa chữa. Thời gian qua, phường 14, quận 5 đã tiến hành khảo sát, kiểm định 41 chung cư trên địa bàn phường. Kết quả có 32 chung cư loại B và 9 chung cư loại C. Nhiều chung cư đã xuống cấp và gây ra những nguy hiểm tiềm tàng đến tính mạng và tài sản.

"Việc cải tạo sửa chữa chung cư này sẽ mang lại môi trường sống tốt hơn cho người dân. Vệ sinh môi trường tốt hơn, tình hình an ninh trật tự phòng cháy chữa cháy của chung cư cũng tốt hơn. Ngoài ra cũng tạo sự khang trang đô thị trên địa phường", ông Vũ Đức Tâm - Chủ tịch UBND phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh cho hay.

Từ năm 2016 - 2023, bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, phường 14, quận 5 đã thực hiện sửa chữa, cải tạo 16 chung cư. Việc chủ động sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa đã đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ. Trong thời gian tới, quận đã tiếp tục đề xuất kinh phí thực hiện 179 công trình nâng cấp, cải tạo hẻm, chung cư cũ, vỉa hè với phương châm mức xã hội hóa càng cao thì được ưu tiên bố trí vốn làm trước.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương hơn 3 triệu m2 sàn. Việc chậm xây mới, cải tạo không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sống hàng trăm nghìn hộ dân, mà còn ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị bởi hầu hết các chung cư đều tập trung ở các thành phố lớn. Trong bối cảnh việc xây mới gặp nhiều khó khăn, phương án cải tạo, giống như mô hình trên cần được nhân rộng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước