Cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi vì được tăng lương 30%

Quỳnh Trang, Trương Thủy, Tuấn Anh, Lê Tuấn, Quang Lâm,-Thứ hai, ngày 01/07/2024 20:41 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh hiện nay, Chính sách cải cách tiền lương được cho là phương án tối ưu, tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội.

Hôm nay (1/7), chính thức áp dụng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương khóa XII. Đây là chính sách quan trọng, nâng cao đời sống của hàng triệu cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công và 50 triệu người đang hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở.

Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định qui định về tiền lương tiền thưởng, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng trên. Tại Nghị định Quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Chính phủ qui định mức lương cơ sở đối với các đối tượng này là 2.340.000 đồng/tháng. Tăng bình quân 30% so với trước.

Tại nghị định qui định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Chính phủ Qui định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng. Theo đó: Vùng 1 mức lương tối thiểu sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, 23.000 đồng giờ; Vùng 2 là 4.410.000 đồng /tháng, 21.000 đồng/giờ; Vùng 3 là 3.860.000 đồng/tháng, 18.600 đồng/giờ; Và vùng 4 là 3.450.000 đồng/tháng, 16.600 đồng/giờ. Với mức điều chỉnh như vậy, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng bình quân 6%.

Còn tại Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, Chính phủ cũng điều chỉnh, mức tăng bình quân là thêm là 15%.

Trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay thì phương án tăng lương lần này được cho là phương án tối ưu, tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội.

Với mức điều chỉnh lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/ tháng. Mức tăng bình quân lần này là 30% - cũng là mức điều chỉnh tăng lương lớn nhất từ trước đến nay. Điều này, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi đón nhận.

Chị Đỗ Thị Mai Hương, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Bản thân tôi cũng thấy rất là vui mừng vì với mức lương cơ sở tăng 30% sắp tới đây, đây cũng đã là 1 sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Với mức tăng như vậy cũng góp 1 phần chi phí cải thiện cuộc sống của gia đình chúng tôi".

"Chế độ cải cách tiền lương ngày càng bám sát với tinh thần Nghị quyết của Trung ương Đảng trong vấn đề cải cách tiền lương để làm sao cho đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta có thể sống được bằng chính cái đồng lương, thu nhập của mình" - ông Phạm Hoài Minh Tân, Bí thư Đảng ủy của phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Phấn khởi vì được tăng lương, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho rằng, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chia sẻ với khó khăn của người lao động hiện nay. Nhiều ý kiến cũng cho rằng mức tăng lần này thực sự có tính chất động viên rất lớn để người lao động yên tâm cống hiến.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trường Mầm non Hoàng Anh, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mọi người cũng đang rất phấn khởi và hồi hộp chờ đợi. Tôi có thâm niên 21 năm và với mức lương sắp tới thì tôi nghĩ là cuộc sống của gia đình tôi và cũng như đồng nghiệp và tất cả những người lao động thì sẽ đủ để đảm bảo cuộc sống".

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn về nguồn lực, thế nhưng với sự nỗ lực từ Trung ương tới địa phương, cơ sở, nguồn ngân sách dành cho cải cách chính sách tiền lương đã được bố trí, bảo đảm khả thi. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27 của Trung ương.

Theo Bộ Tài chính, nguồn kinh phí dành cho tăng lương trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 là 913,3 nghìn tỉ đồng. Đây là nguồn kinh phí tăng thêm rất lớn, vì vậy, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tích lũy tạo nguồn cải cách tiền lương.

Một trong những điểm mới trong thực hiện Chính sách tiền lương lần này, đó là Chính phủ yêu cầu dùng 10% tổng quỹ lương dành cho khen thưởng….

Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: "Kỳ này, có việc bắt đầu thực hiện cơ chế dành 10% quỹ tiền lương cơ bản để thực hiện quỹ tiền thưởng. Chính phủ yêu cầu từng cơ quan đơn vị, sau khi các nghị định về tiền lương mới được ban hành có giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương xây dựng quy chế nội bộ để thực hiện quy chế tiền thưởng này thực sự đúng với ý nghĩa của cải cách tiền lương, tạo ra cơ sở để thưởng thêm cho đội ngũ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là điểm mới để tạo ra thay đổi để đổi mới cả về cơ chế quản lý công chức rồi nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công vụ trong từng cơ quan tổ chức đơn vị".

Việc thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã được thống nhất thực hiện theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi để mọi đối tượng được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đều được tăng lương một cách công bằng, hài hòa, ổn định.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước