Cần khung hình phạt cao hơn cho hành vi xâm hại quyền trẻ em

Hoài Thương, Quang Hải-Chủ nhật, ngày 21/08/2022 11:58 GMT+7

VTV.vn - Cần có những khung hình phạt thực sự răn đe, đặc biệt là gia tăng các biện pháp tuyên truyền pháp luật để phòng ngừa xâm hại và bảo vệ trẻ em.

Đã hơn 1 tuần trôi qua, căn phòng nơi cháu bé 4 tuổi ở Hà Nam bị nhốt vào tủ cấp đông vẫn cửa đóng then cài. Tâm trạng của ông Nguyễn Văn Thược cũng ngổn ngang như sự bừa bộn trong phòng lúc này bởi người gây ra vụ bạo hành cháu trai mình không ai khác chính là kẻ đã thuê cửa hàng ông.

''Tôi rất tin tưởng nhưng không ngờ lại hành hạ cháu tôi dã man như thế. Tôi mong cơ quan pháp luật làm thật nghiêm minh, để răn đe người khác có ý đồ như thế", ông Thươc nói.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Trường Giang về tội Giết người.

''Biết là trông con, trông cháu cho chu đáo thôi, không biết điều gì có thể xảy ra, tôi thấy sợ'', bà Vũ Thị Nga, người dân xã Nhân Chính không khỏi lo lắng.

Cần khung hình phạt cao hơn cho hành vi xâm hại quyền trẻ em - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái hầu tòa về tội bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong.

Hầu hết các vụ bạo hành thời gian qua đều gây ra bởi người thân hoặc người tiếp xúc gần với các cháu. Điển hình như vụ xét xử bố đẻ và người tình đánh đập khiến bé gái 8 tuổi thiệt mạng ở TP Hồ Chí Minh.

Theo luật sư, Nghị định 130 về xử phạt vi phạm hành chính khi bạo lực với trẻ em được ban hành cách đây không lâu đã nâng mức xử phạt theo hướng tăng nặng, cao nhất lên đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt rất khó thực hiện triệt để.

Khi cánh cửa mỗi nhà đóng lại, những hành động đằng sau đó rất khó có thể nắm bắt. Luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: ''Những hành vi về mặt tinh thần xảy ra trong gia đình rất khó bị phát hiện xử lý. Chính vì thế, ngoài ban hành quy định pháp luật, chế tài xử lý, cần khuyến khích người dân phát hiện và tố giác hành vi xâm phạm quyền lợi trẻ em''.

''Chúng tôi kêu gọi cộng đồng xã hội, hàng xóm, cộng đồng dân cư cần tố giác đến cơ quan chức năng như tổng đài 111, công an cấp xã, phường để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời'', ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Không thể dấu nổi niềm vui của gia đình ông Thược khi cháu mình đã được xuất viện nhưng cũng có những câu chuyện bạo hành lại liên tiếp nỗi đau và sự phẫn nộ. Các em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm phòng ngừa hành vi xâm hại để trong gia đình, mỗi đứa trẻ thực sự được bảo vệ an toàn trong vòng tay của những người thân yêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước