Quang cảnh hội thảo diễn ra vào sáng 19/12. Ảnh: Việt Linh
Hội thảo là kênh tham khảo hữu ích cho lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, chuyên sâu về quyền con người để có thể tiếp tục linh hoạt, sáng tạo trong các sản phẩm truyền thông nhằm lan tỏa hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Việt Linh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ đánh giá cao ý nghĩa và giá trị thiết thực của sự kiện, đặc biệt khi Việt Nam vừa công bố tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng dẫn câu hỏi của Bác Hồ về tầm quan trọng của truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người: "Đó là công việc để làm cho những ai chưa hiểu về ta thì hiểu ta, ai hiểu rồi thì yêu ta, ai ghét ta thì bớt ghét đi, còn ai đã ghét và không thể từ bỏ thì ít nhất là bớt hung hăng đi".
Chỉ ra những mặt hạn chế trong tuyên truyền về quyền con người trên lĩnh vực thông tin đối ngoại, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chỉ rõ, cần có những "cách làm mới" để thế giới hiểu hơn về Việt Nam, trong đó có việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Việt Linh
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, thời gian qua, công tác nhân quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như công tác tuyên truyền về lĩnh vực này có những chuyển biến tích cực, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người; đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, qua đó tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bà Hương cũng nhấn mạnh, cần có sự đổi mới về cả nội dung và phương pháp tuyên truyền đối ngoại về lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt khi vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày các tham luận: Thông tin đối ngoại - mặt trận quan trọng trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người; Cách tiếp cận của một số nước ASEAN và gợi ý cho Việt Nam; Truyền thông về quyền con người: Những cách tiếp cận cần lưu ý; Thông tin đối ngoại phục vụ đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong tình hình mới…
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam kỳ vọng, Hội thảo là kênh tham khảo hữu ích cho lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, chuyên sâu về quyền con người để có thể tiếp tục linh hoạt, sáng tạo trong các sản phẩm truyền thông nhằm lan tỏa hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, quyền con người, quyền công dân sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm và bảo đảm, góp phần khẳng định tầm vóc, sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho đất nước bứt tốc và vươn mình mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!