Cần quy hoạch chuẩn hệ thống bến xe Hà Nội

Hoài Thương-Thứ bảy, ngày 04/11/2023 16:34 GMT+7

VTV.vn - Để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, Bộ Giao thông vận tải đề xuất một loạt giải pháp nhưng chưa được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.

Các giải pháp được đưa ra như quy định tỷ lệ, phạm vi trùng lặp điểm xuất phát, điểm kết thúc; không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp trở lên tại trụ sở chính hoặc tại một vị trí khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, giải pháp này cũng chỉ là giải pháp hành chính, không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Quan trọng nhất là phải quy hoạch hệ thống bến xe sao cho hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Vắng vẻ, xe rỗng khi xuất bến, hoặc có cũng chỉ lác đác vài hành khách. Tình trạng này đang diễn ra phổ biến tại các bến xe tại Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình. Thế nhưng, đối nghịch với cảnh trong các bến xe, thì ở bên ngoài gần bến xe, hoạt động đón trả khách lại rất nhộn nhịp, bởi xe hợp đồng trá hình ngày càng phát triển.

"Mọi người đều muốn đi nhanh về nhanh, nên là bắt những chuyến xe dọc đường hoặc là xe tiện chuyến", anh Phạm Mạnh Hưng, Lái xe tuyến Ninh Bình - Giáp Bát chia sẻ. Còn anh Nguyễn Quang Dương, một hành khách cho biết: "Tôi cảm thấy nó tiện, không cần phải đi ra bến xe. Xe lại đón tận nhà, không phải mất công di chuyển. Đặc biệt là vào giờ cao điểm, để di chuyển ra bến xe mất rất nhiều thời gian. Tôi nghĩ đó là nhu cầu chính đáng của người dân".

Bà Trần Thị Đường, quê Hà Tĩnh cho biết, bà hay đi xe liên tỉnh từ quê ra Hà Nội để khám bệnh. Ở nhờ nhà con cái, sau đó có xe đón ngay cổng nhà. Người già như vậy là quá tiện lợi, lại không phải bắt xe grab hay taxi ra bến bãi.

Mới đây, trong dự thảo sửa đổi nghị định số 10, Bộ giao thông vận tải đề xuất quy định đối với loại xe hợp đồng, du lịch không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp tại một điểm. Song theo các chuyên gia giao thông, đây chỉ là giải pháp mang tính hành chính, chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Điều cần làm là phải phát triển thêm nhiều vị trí trung gian đưa đón và trả khách, chứ không chỉ gò cứng ở tại một số vị trí cố định, đồng thời phải kết nối một cách chặt chẽ với giao thông công cộng.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: "Chúng ta nên có 2 hình thức giống như các nước, hình thức thứ nhất là chạy thẳng express, tức là xe đó chạy thẳng từ bến này đến bến kia và hình thức thứ hai, đối với xe khách chạy thường, tức là dọc đường người ta vẫn cứ rẽ vào khu dân cư đón bổ sung thêm khách".

Bên cạnh đó điều cốt lõi chính là việc quy hoạch mạng lưới bến xe ngay từ ban đầu chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng bến xe ế khách như hiện tại. Ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông cho rằng: "Vẫn là công tác quy hoạch, tổ chức các luồng tuyến cho nó thật thuận lợi và công bố công khai và khi công bố công khai lên luồng tuyến nào, địa điểm đón ở đâu thì các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc. Nếu không thực hiện nghiêm túc thì xử lý cả doanh nghiệp luôn thì mới được".

Cũng theo các chuyên gia, bến xe không thể để vận hành như hiện nay, mà phải hoạt động đa phương thức, kết nối các hệ thống vận tải hiện đại đang được đầu tư xây dựng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... và nằm bên ngoài khu vực vành đai 3 (ưu tiên ở các cửa ô), nhằm tạo ra một hệ thống vận tải liên tục, xuyên suốt.

Cần quy hoạch chuẩn hệ thống bến xe Hà Nội - Ảnh 1.

Hệ thống các bến xe tại Hà Nội đang trong tình trạng quá tải.

Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030

Tháng 4/2022, theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, bốn bến xe liên tỉnh nằm trong vành đai 3 gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm tiếp tục được khai thác, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Về lâu dài các bến xe này sẽ được thay thế. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các bến này chỉ được nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trên quy mô hiện có.

Bến xe thay thế được quy hoạch tại khu vực lân cận đường vành đai 3 và vành đai 4. Sau khi hoàn thành các bến xe mới, quỹ đất các bến xe liên tỉnh hiện tại sẽ được chuyển chức năng, ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị như bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe bus, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...

Các bến xe khách liên tỉnh mới được thành phố bố trí trên trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Bến xe khách xây mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, nhằm vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Bến xe mới sẽ từng bước thay thế các bến xe khách hiện có, đang nằm sâu trong nội đô.

Các bến xe liên tỉnh mới sẽ nằm ở huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì, Hoài Đức và huyện Đan Phượng. Ngoài ra, trong đô thị trung tâm Hà Nội, sẽ có 8 bến xe tải nhằm phục vụ nhu cầu vận tải của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước