Cẩn trọng mắc bẫy chiêu trò giả danh shipper, lừa chuyển khoản

Hà Bình-Thứ tư, ngày 06/11/2024 13:09 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng (shipper) đã áp dụng phương thức tinh vi hơn, thông qua việc đánh cắp hoặc mua bán dữ liệu khách hàng.

Thời gian gần đây, một hình thức lừa đảo mới và tinh vi giả danh nhân viên giao hàng (shipper) đã xuất hiện.

Trước đây, chúng thường chỉ gọi điện và đưa ra những thông tin chung chung như bạn có đơn hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm... và lợi dụng những người mua sắm nhiều, dễ quên các đơn hàng để yêu cầu khẩn trương chuyển khoản.

Tuy nhiên, gần đây kẻ lừa đảo đã áp dụng phương thức tinh vi hơn, thông qua việc đánh cắp hoặc mua bán dữ liệu khách hàng. Khi gọi điện cho nạn nhân, chúng có thể nêu chính xác tên mặt hàng đã mua, số tiền và địa chỉ giao hàng... Điều này khiến cho người nhận không còn nghi ngờ gì và mắc bẫy lừa đảo một cách dễ dàng.

Mới đây, chị Trà ở Hà Nội đặt mua hàng. Đối tượng giả danh nhân viên giao hàng đọc đúng món đồ, chính xác số tiền, nên chị yên tâm chuyển khoản. Tuy nhiên ngay sau đó, đối tượng gọi điện, nói rằng đã gửi nhầm cho chị số tài khoản của Hội Giao hàng tiết kiệm. Gửi tiền vào đó, đồng nghĩa với việc chị đã đăng ký trở thành hội viên và sẽ bị tự động khấu trừ tiền hàng tháng.

Cẩn trọng mắc bẫy chiêu trò giả danh shipper, lừa chuyển khoản - Ảnh 1.

Việc shipper giả mạo có thể đọc chính xác đơn hàng là một thủ đoạn tinh vi mới so với trước đây.

Đối tượng hướng dẫn chị truy cập vào 1 đường link, khai thông tin để hủy việc đăng ký, nhưng khi khai thông tin xong, tài khoản của chị tự động bị trừ 3,5 triệu đồng.

"Tôi mất tiền rồi họ chặn tôi luôn, tôi không thể liên lạc lại. Qua việc này, tôi rút ra được rằng shipper gọi điện nói gửi đồ cho bảo vệ khu nhà thì phải chụp ảnh cả đơn hàng và người nhận sản phẩm hộ", chị Bùi Thu Trà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Hương ở Hà Nội cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, do đối tượng đúng đơn hàng mua sách, số tiền 270.000 đồng. Việc shipper giả mạo có thể đọc chính xác đơn hàng là một thủ đoạn tinh vi mới so với trước đây.

"Trường hợp này có khả năng nền tảng bán hàng trực tuyến hoặc các đơn vị vận chuyển trong quá trình quản lý hệ thống, quản lý nhân viên để xảy ra sơ hở, lộ lọt thông tin khách hàng cho đối tượng xấu bên ngoài lợi dụng", Trung tá Vũ Trọng Nghĩa (Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết.

Theo Bộ Công an, đa phần các vụ việc đều có yếu tố nước ngoài. Các đối tượng dùng SIM rác và số tài khoản nên rất khó bắt giữ. Người dùng cần đặc biệt cảnh giác khi nhận các cuộc gọi của shipper. Việc áp dụng các ứng dụng để chặn cuộc gọi lừa đảo cũng rất hữu dụng.

Năm 2023, gần 16.000 phản ánh của người dùng về tình trạng lừa đảo trực tuyến, thiệt hại ước tính 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, tăng hơn 64% so với năm trước. Cơ quan điều tra cho biết sẽ sớm thông tin kết quả điều tra thủ đoạn đánh cắp thông tin giao dịch và giả danh shipper.

Shipper cẩn trọng “bẫy lừa” vận chuyển hàng cấm Shipper cẩn trọng “bẫy lừa” vận chuyển hàng cấm

VTV.vn - Những người đang làm nghề giao hàng (shipper) cần đề cao cảnh giác, nếu không rất có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng và bất ngờ bị công an bắt giữ do vận chuyển hàng cấm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước