Vẫn còn nhiều xe ba gác, chở hàng cồng kềnh, quá khổ lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm xử lý xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố. Từ ngày 18/7/2024, Công an thành phố phối hợp Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức lễ ra quân tuyên truyền, kết hợp xử lý xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe tự chế, xe ba, bốn bánh trên địa bàn thành phố.
Về kết quả xử lý từ tháng 7/2024 đến nay, Công an thành phố đã phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm. Trong đó có 2.000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh; 3.600 trường hợp vi phạm do kéo theo thùng lôi, vật kéo; 1.400 xe "mù", xe "mờ"; 775 trường hợp sử dụng biển số giả hoặc không gắn biển số; 1.500 trường hợp phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật (không thắng, còi, đèn…); hơn 2.000 trường hợp vi phạm khác. Qua đó đã tạm giữ hơn 4.900 phương tiện (hơn 4.300 mô tô, hơn 500 xe ba bánh; gần 30 xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ (còn gọi là xe "thí điểm"), 51 xe chở rác dân lập). Đặc biệt, trong quá trình tuần tra, kiểm soát; lực lượng CSGT phát hiện nhiều xe chở rác không đảm bảo tiêu chuẩn; đã xử lý, tạm giữ 51 xe vi phạm.
Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, để xử lý dứt điểm tình trạng xe 3-4 bánh tự chế, xe chở hàng cồng kềnh... vi phạm an toàn giao thông, bên cạnh các hình thức xử lý còn cần vận động tuyên truyền để người dân từ bỏ "thói quen" lâu năm này.
Kết quả kiểm tra, xử lý trên phần nào cho thấy nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông liên quan đến loại hình phương tiện này. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, qua thực tế công tác tuần tra kiểm soát, Công an thành phố phát hiện vẫn còn nhiều phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ lưu thông trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) (các trường hợp phát hiện đều được xử lý kịp thời, đúng quy định).
Lý do được Thượng tá Long lý giải là do từ lâu, hình ảnh xe ba gác, xe tự chế đã trở thành "thói quen" của một bộ phận người dân. Do đó, hiện tại, Công an thành phố đã và đang rà soát, vận động các điểm sửa chữa, hàn cắt thùng xe, giá đỡ; mua bán các thùng lôi, vật kéo chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, sửa chữa, cải tạo xe cơ giới và sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm để ngăn chặn tình trạng vi phạm.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan công an TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, để xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng nêu trên, cần thiết huy động sức mạnh của nhiều đơn vị, nhiều lực lượng; có lộ trình thực hiện theo từng bước; trong đó quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật nói chung và quy định về đảm bảo TTATGT nói riêng.
"Song song với việc kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; Công an thành phố tiếp tục trao đổi, phối hợp các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chấp hành các quy định của pháp luật; tập trung vào các doanh nghiệp, công ty, hộ kinh doanh gia đình đang sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi sinh kế phù hợp; trong đó có những người đang sử dụng các loại xe tự chế vi phạm quy định pháp luật để tham gia giao thông" - Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!