Khi phóng viên tìm kiếm với từ khoá "Bảo hiểm xã hội Việt Nam", kết quả đầu tiên lại là một trang thông tin không chính thống, cùng không ít các trang hay hội nhóm có tên hỗ trợ, giải đáp thông tin bảo hiểm xã hội.
Có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần dù chưa đến hạn, tìm kiếm sự trợ giúp tại những trang mạng như trên, một người phụ nữ tại tỉnh Hải Dương đã bị một tài khoản cá nhân tiếp cận.
"Được bạn đấy giới thiệu hỗ trợ bạn rút bảo hiểm xã hội trước hạn, phí hồ sơ là 1 triệu đồng", nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến nói.
Chỉ 1 triệu đồng phí hồ sơ - lời hứa hẹn đầy hấp dẫn, nhưng ngay khi người dùng tin tưởng và thực hiện chuyển tiền làm hồ sơ, các đối tượng liền liên tục đưa ra các yêu cầu khác. Mỗi yêu cầu lại tương ứng với 1 khoản tiền cần phải chuyển đi.
Mong muốn được rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng tiền về thì chưa thấy, mà 100 triệu đồng của người phụ nữ trên đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Nhiều nạn nhân đã mất hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo cơ quan công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, lợi dụng nhu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đối tượng thường xuyên tạo lập các trang giả mạo đơn vị này để thực hiện hành vi lừa đảo nên việc ngăn chặn không dễ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người lao động không nên tìm hiểu thông tin tại các trang thông tin, diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Nếu gặp khó khi tìm kiếm nguồn thông tin chính thức về chính sách bảo hiểm, người lao động có thể đến cơ quan bảo hiểm địa phương để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!