Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua cuộc gọi giao hàng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/10/2024 11:43 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, nhiều trường hợp lừa đảo mạo danh nhân viên giao hàng với thủ đoạn tinh vi để lừa người tiêu dùng chuyển khoản, đòi hỏi người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.

Thêm một thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi và tin nhắn trên mạng giả là nhân viên giao hàng để lừa người dùng chuyển khoản. Các đối tượng lừa đảo thậm chí còn sử dụng thông tin chính xác của đơn hàng đã được đặt mua trên các trang uy tín để lừa chuyển khoản cho mình. Bộ Công an đã cảnh báo vấn nạn này cần sự chung tay của người tiêu dùng và các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn công qua mạng

Mua sắm online, mua sắm trực tuyến đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành thị trường lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Thế nhưng, song song với sự tăng trưởng này là nhiều loại hình biến tướng lừa đảo người tiêu dùng. Từ các tin nhắn khuyến mại có link ăn cắp mật khẩu ngân hàng ở các diễn đàn, hội nhóm xuất đơn ảo giờ là vấn nạn, giả là nhân viên giao hàng để gọi điện thoại, lừa chuyển khoản cùng một nội dung, gọi đến cho hàng trăm khách hàng mỗi ngày vào các khung giờ hành chính.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua cuộc gọi giao hàng - Ảnh 1.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chia sẻ về vấn đề lộ lọt thông tin cá nhân

"Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều trường hợp lừa đảo liên quan đến việc giả mạo nhân viên giao hàng. Ngay cả bản thân tôi, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lừa đảo trên không gian mạng, cũng đã gặp phải tình huống này. Trong tuần vừa qua, tôi đã nhận được hai cuộc gọi từ đối tượng lừa đảo giả mạo làm shipper và trao đổi về những đơn hàng mà tôi không đặt. Với một người có nhiều kinh nghiệm, tôi cũng phải mất vài giây mới nhận ra đây là cuộc gọi lừa đảo. Điều này cho thấy mức độ tinh vi và chân thật của các cuộc gọi lừa đảo hiện nay rất cao. Ngoài việc lừa đảo để chuyển khoản, còn có các hình thức như lừa cài đặt ứng dụng. Những kẻ giả mạo thường yêu cầu cài đặt ứng dụng để theo dõi đơn hàng hoặc kiểm tra chất lượng hàng trước khi nhận. Sau khi người dùng cài đặt, chúng có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại hoặc máy tính. Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo còn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, dẫn dụ người dùng truy cập vào các trang web giả mạo, sau đó chúng yêu cầu đăng nhập và đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu. Những thủ đoạn này rất tinh vi, nếu người dùng không cẩn thận rất dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo", ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chia sẻ.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn là một thách thức lớn, thách thức tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dữ liệu cá nhân bị rò rỉ. Thứ nhất, nhiều hệ thống có dữ liệu lớn, chứa thông tin cá nhân quan trọng, lại không được bảo mật tốt. Điều này tạo cơ hội cho hacker tấn công và xâm nhập, từ đó đánh cắp thông tin của người dùng. Tiếp theo, quy trình quản lý dữ liệu tại nhiều tổ chức không chặt chẽ. Nhân viên, thậm chí là những người không liên quan trực tiếp đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, vẫn có thể tiếp cận được các dữ liệu này. Sau đó, dữ liệu này bị rò rỉ và bị mua bán, trao đổi dẫn đến tình trạng thông tin của người dùng rơi vào tay các đối tượng lừa đảo. Một nguyên nhân khác đến từ chính sự chủ quan của người dùng. Họ thường dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến. Điều này làm gia tăng nguy cơ bị lộ thông tin.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua cuộc gọi giao hàng - Ảnh 2.

Trung tá Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng đội 3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội cho biết về các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

Mặc dù đã có nhiều chế tài và quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng tình trạng rò rỉ thông tin vẫn đang diễn ra. Do đó, cần phải thắt chặt hơn nữa các quy định này và yêu cầu tất cả các tổ chức lưu trữ, xử lý dữ liệu đảm bảo an ninh cho hệ thống.

"Các đối tượng thường thay đổi rất nhiều chỗ ở để nhằm che giấu thông tin cá nhân. Lợi dụng, mua bán tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện việc chuyển và nhận tiền. Đối tượng sẽ tham gia vào các hội nhóm để mua các dữ liệu về khách hàng, với số lượng lên đến hàng triệu khách hàng ở trên không gian mạng", Trung tá Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng đội 3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết.

Việc người dùng chuyển tiền khi chưa nhận hàng là một phần do lỗi của người dùng và có thể phòng tránh bằng cách tận dụng lợi thế của thanh toán chuyển khoản. Thay vì chuyển tiền cho người giao hàng, người mua có thể thực hiện chuyển khoản trực tiếp cho người bán hoặc khi nhận hàng xong, vẫn chuyển khoản cho người bán thay vì cho người giao hàng để đảm bảo an toàn. Bằng cách này, người dùng có thể khai thác lợi ích của thanh toán online, vừa tiện lợi vừa giảm thiểu rủi ro, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc nhầm lẫn khi giao dịch.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua cuộc gọi giao hàng - Ảnh 3.

Đối tượng tìm mua dữ liệu khách hàng trên mạng xã hội, sử dụng sim không chính chủ, liên lạc với khách hàng và chiếm đoạt hơn một trăm triệu đồng bị bắt giữ tại cơ quan công an

Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử, thời của mua sắm và giải trí của Corinne Catherine phát hành vào đầu tháng 4/2024, số lượng khách hàng Việt Nam ưa thích lựa chọn mua sắm online hiện đã chiếm tỷ lệ lên tới là 50 %. Trong đó, có 61 % người mua hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, 55 % qua các mạng xã hội như là Facebook, Instagram, Zalo và 34 % qua các website thương mại điện tử bán hàng.

"Hiện nay, hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử đều đã áp dụng các biện pháp để giúp loại bỏ các vấn đề liên quan đến lừa đảo như giao hàng ảo hoặc hàng kém chất lượng, lừa đảo tiền của người dùng. Một trong những giải pháp được các nền tảng này triển khai là dịch vụ đồng kiểm, có nghĩa là khi người dùng đặt hàng, sản phẩm sẽ được kiểm tra chất lượng bởi đơn vị cung cấp nền tảng thương mại điện tử để đảm bảo chất lượng của sản phẩm đúng như cam kết của người bán rao trên các sàn thương mại điện tử. Sau đó, quá trình thanh toán được thực hiện qua một bên trung gian là sàn thương mại điện tử. Chỉ khi người dùng xác nhận rằng đã nhận hàng đúng chất lượng, tiền mới được chuyển đến cho người bán. Như vậy, sàn thương mại điện tử đóng vai trò trung gian, giúp hạn chế rủi ro từ những đơn hàng ảo, kém chất lượng hoặc các giao dịch trực tiếp giữa người mua và người giao hàng, từ đó giảm thiểu nguy cơ lừa đảo. Ngoài ra, một số đơn vị giao hàng cũng đã thiết lập các kênh giúp người dùng theo dõi đơn hàng trong quá trình vận chuyển", ông Vũ Ngọc Sơn cho biết thêm.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Sơn, từ phía người bán hàng, việc bảo vệ dữ liệu của khách hàng, đặc biệt là thông tin về các đơn hàng là vô cùng quan trọng. Đã có nhiều vụ việc cho thấy thông tin khách hàng bị rò rỉ từ chính các đơn vị bán hàng. Mặc dù có thể không phải do đơn vị bán cố ý, nhưng nhân viên trực tiếp làm việc cho đơn vị bán hàng có thể lợi dụng thông tin này để trục lợi. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ bảo mật thông tin từ phía người bán là điều vô cùng quan trọng.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua cuộc gọi giao hàng - Ảnh 4.

Nhiều người mua hàng trên mạng không nhận được hàng ngay mà thường nhờ gửi ở các quầy lễ tân

Đối với các đơn vị vận chuyển, cần có các giải pháp để định danh rõ ràng người thực hiện việc giao hàng. Ví dụ, họ phải được định danh qua số điện thoại hoặc chỉ cho phép liên hệ thông qua ứng dụng chính thức do nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hoặc người bán hàng cung cấp. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và bán hàng đã có các nền tảng này, nhưng việc truyền thông về cách sử dụng chúng đến người dùng vẫn chưa tốt, dẫn đến việc nhiều người dùng không biết rằng họ có thể theo dõi đơn hàng hoặc liên hệ với người giao hàng qua ứng dụng mà vẫn sử dụng cách truyền thống là gọi điện trực tiếp.

Khi triển khai các ứng dụng này, các doanh nghiệp cần truyền thông, quảng bá cho người dùng biết về các ứng dụng này. Các ứng dụng này cần được đảm bảo an toàn khi giao dịch và được cung cấp một cách chính thống, giúp tránh tình trạng người dùng vô tình cài đặt các ứng dụng lừa đảo khi nhận được đường link yêu cầu từ kẻ lừa đảo.

Cuối cùng, từ phía người dùng, đặc biệt là những người mua hàng cần phải kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình. Cụ thể, người dùng chỉ nên truy cập vào một nền tảng duy nhất, không truy cập vào nhiều nền tảng. Nếu nhận được bất kỳ đường link từ shipper yêu cầu truy cập vào đó, tuyệt đối không nên làm theo và chỉ truy cập vào địa chỉ ban đầu. Mọi việc kiểm tra và xác nhận thông tin đều nên được thực hiện trên một nền tảng duy nhất.

"Chúng ta đã có các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong thời gian tới, chỉ cần áp dụng nghiêm ngặt các quy định này, đặc biệt là trong khâu kiểm tra và xử phạt. Khi mọi người đều có ý thức và có biện pháp tuân thủ nghiêm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là các thông tin liên quan đến cá nhân và đơn hàng, việc lộ lọt thông tin sẽ được hạn chế. Điều này giúp ngăn chặn các đối tượng lừa đảo có thể nắm được thông tin về nhu cầu mua hàng của người dùng và dàn dựng các kịch bản lừa đảo tiếp theo. Ngoài ra, các quy định hiện nay về bảo vệ dữ liệu cũng đã nêu rõ việc triển khai các biện pháp công nghệ như đảm bảo an ninh cho hệ thống, thực hiện giám sát 24/7 và khai báo ngay khi có biến động liên quan đến dữ liệu. Nếu các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, thực hiện nghiêm túc những quy định này, chúng ta sẽ có được một môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho tất cả mọi người", ông Vũ Ngọc Sơn khẳng định.

Ông Vũ Ngọc Sơn bày tỏ, từ góc độ của người tiêu dùng, chúng ta hoàn toàn có quyền thể hiện thái độ đối với những đơn vị không bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, khiến chúng ta gặp rắc rối với các cuộc gọi lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi các hình thức hoạt động không chỉ là đối với người cao tuổi, học sinh, sinh viên. Giờ các đối tượng đang tập trung vào một khối lượng lớn người tiêu dùng trực tuyến. Dù đa phần đều là những người tiêu dùng trẻ tuổi có kỹ năng về công nghệ tốt, song song với các giải pháp của các đơn vị liên quan, chính người tiêu dùng cũng phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, không thể chủ quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước