Sâm cầm giá 1 triệu 300 nghìn đồng/con, diệc xám giá 1 triệu 200 nghìn đồng/con, nhưng bắt những loài nguy cấp này có thể bị phạt tới 15 tỷ đồng và phạt tù đến 15 năm. Việt Nam kiên quyết đưa vào các chế tài mạnh để ngăn chặn nạn tận diệt chim trời.
Kế sau luật hình sự 2017 là Nghị định 35 (sửa đổi bổ sung bởi Nghi định 07/2022 của CP). Theo Nghị định này, kể cả những loài chim hoang dã không phải loài nguy cấp quý hiếm, nếu bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép cũng có thể có thể bị xử phạt lên đến 300 triệu đồng. Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: "Chỉ thị này được ban hành có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, phát triển các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm cao đối với việc thực thi các cam kết quốc tế đã tham gia".
Hơn 900 loài chim được phát hiện tại Việt Nam, nhưng có đến 200 loài đang nằm trong diện phải quan tâm bảo tồn. Thời gian qua, đã từng có những loài chim di cư không còn bay về Việt Nam nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!