Chim di cư vào mùa tận diệt

Nguyễn Sơn - VTV Digital-Thứ hai, ngày 26/09/2022 11:21 GMT+7

VTV.vn - Hàng triệu chim di cư bay về phương nam, phần lớn trong số chúng không thể đi hết hành trình. Bất chấp những nỗ lực bảo tồn, chim trời vẫn bị tận diệt bằng mọi hình thức.

Ngày 17/5, Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 04 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Dù đã có nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng.

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại một số địa phương là nơi thuộc tuyến đường bay của chim di cư và cũng là nơi tình trạng săn bắt chim trời đang diễn ra phổ biến.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 1.

Cứ vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9, những đàn chim di cư lại vượt hàng nghìn km bay về phương Nam tránh rét. Dọc bờ biển Hà Tĩnh, những đầm nước trù phú thường được chúng lựa chọn làm điểm dừng nghỉ, bổ sung năng lượng để tiếp tục vượt đường xa, nhưng chúng không biết rằng, đây là tử địa.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 2.
Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 3.
Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 4.

Dưới đầm, những con chim mồi đã bị khâu mắt, buộc chặt chân vào cọc, liên tục bị thợ săn giật dây để phát ra tiếng kêu thu hút đồng loại. Chỉ cần lao xuống là bị dính chặt vào hàng loạt que tre tẩm 1 loại keo siêu dính.

Cò mồi sống không đủ, người dân ở đây còn nghĩ ra cách gọt hàng nghìn con cò giả bằng xốp, cắm đầy các rừng tràm hay trên mặt ruộng, xen kẽ với que tre tẩm nhựa. Với cách săn bắt tận diệt, mỗi ngày, 1 người dân có thể bắt được cả trăm con cò, thu nhập lên tới 3-5 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với 1 ngày công làm nông nghiệp.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 5.

Con chim mồi giả được người dân làm giống như thật, sau đó cắm lên những dàn bẫy để dụ dỗ những con chim trời bay xuống. Nếu quan sát kỹ có thể thấy những con chim mồi này được người dân làm bằng xốp nhưng rất chi tiết, với những họa tiết hoa văn y hệt như chim thật.

Tàn độc hơn, một số người dân còn lên mạng xã hội, hướng dẫn nhau bẫy cò bằng cách tẩm thuốc độc vào các loại cá nhỏ rồi rải lên mặt ruộng dụ cò đến ăn. Những con cò trúng độc nằm lăn lóc khắp mặt ruộng, nặng thì chết ngay còn nhẹ cũng không đủ sức cất cánh. Tất cả đều bị người dân thu gom như một thứ lộc trời.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 6.
Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 7.

Dù chính quyền địa phương đã liên tục tổ chức ra quân, phá dỡ các địa điểm bẫy chim nhưng có những nơi như ở xã Thịnh Lộc, giàn bẫy vừa bị phá hôm trước thì hôm sau, người dân đã lại đặt bẫy mới ở chính vị trí cũ.

Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, số lượng chim di cư bay qua Việt Nam những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, trong đó có 11 loài chim cực kỳ nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa.

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng các thợ săn chim trời phải rất khéo tay mới tạo ra những con chim giống hệt như thật. Nhưng thực tế, thời gian họ còn bận đi bẫy chim, còn dụng cụ bẫy bắt đã có cả một hệ thống cung ứng khổng lồ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ.

Tràn lan dụng cụ bẫy bắt chim trời trên sàn thương mại điện tử

Chỉ cần tìm kiếm với từ khóa chim mồi hay keo bẫy chim trên các trang thương mại điện tử, không khó để mua sắm đủ các loại dụng cụ bẫy bắt với giá rẻ.

20.000 đồng 1 con cò giả giống như thật. 150.000 đồng cho 1kg keo siêu dính, đủ để gắn lên 1.500 que tre, tàn sát cả trăm con chim trời. Mọi thứ đều dễ dàng mua sắm qua vài thao tác đơn giản. Chỉ sau vài ngày, hàng hóa được chuyển về tận nhà, sẵn sàng cho một mùa tận diệt.

Tất nhiên, săn bắt chim với số lượng lớn, được đầu tư bài bản không phải chỉ để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong vài hộ gia đình. Điểm đến của những con chim trời là các nhà hàng, quán ăn hay cả những khu chợ lớn. Trong quá trình thâm nhập thực tế, nhiều hình ảnh được ghi lại có lẽ sẽ khiến người xem cảm thấy ám ảnh.

Kinh hoàng quy trình hóa kiếp chim trời

Chợ Hội - Huyện Cẩm Xuyên, tỉnh hà Tĩnh là một trong những điểm đến của chim trời sau khi bị săn bắt. Với giá 60.000 đồng/con, chim trời được người dân lén lút bán ở đây như một thứ đặc sản. Dù bị nhiều thương tích nghiêm trọng sau quá trình bẫy bắt, tất cả những con chim này đều còn sống và được chủ hàng vặt lông ngay khi có khách.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 8.
Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 9.
Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 10.

Dù phải công nhận là ác nhưng quá trình hóa kiếp tàn độc đến đây vẫn chưa kết thúc. Những con cò sau khi vặt trụi lông bị chủ hàng sử dụng bình khò gas thiêu sống. Nhiệt độ của ngọn lửa đèn khò này lên tới 1.300 độ, cao gấp 13 lần nhiệt độ của nước sôi, hãy thử tưởng tượng cảm giác của những con cò đang giãy giụa dưới ngọn lửa này.

Những người bán hàng không hề biết rằng người mà họ đang mời chào là phóng viên và lực lượng kiểm lâm mặc thường phục của hạt kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên. Ngay khi lực lượng chức năng xuất hiện tại hiện trường, nhiều chủ hàng vội vã bỏ chạy, vứt lại cả những con chim đang thui dở. Những bình khò gas cũng để lại hiện trường.

Những cơ sở vi phạm đều bị hạt kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên lập biên bản xử phạt, tịch thu tiêu hủy toàn bộ số chim trời bày bán trái phép.

Dù mức xử phạt cao nhưng lợi nhuận từ việc mua bán chim trời mang lại cũng không nhỏ. Thế nên, khi còn kẻ bán người mua, tình trạng bẫy bắt chim di cư vẫn còn tiếp diễn. Nếu không có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng tận diệt chim di cư, có thể đến một ngày nào đó, hình ảnh những cánh cò bay trên đồng lúa như thế này chỉ còn trong ca dao tục ngữ.

Tái diễn tình trạng buôn bán chim trời

Những hình ảnh trên được nhóm phóng viên VTV phối hợp cùng các lực lượng chức năng của huyện Cẩm Xuyên ghi lại tại chợ Hội vào ngày 21/9 vừa qua.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 11.

Nhưng chỉ 5 ngày sau, sáng 25/9, khi công an huyện Cẩm Xuyên tiến hành tuần tra kiểm soát tại khu vực chợ Hội lại tiếp tục phát hiện một tiểu thương mang hàng chục con chim trời ra chợ bày bán.

Có thể thấy, dù cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nhưng khi người dân vẫn coi chim di cư như một thứ lộc trời thì rất khó ngăn chặn tận gốc tình trạng này.

Ngăn chặn tình trạng tận diệt chim trời

Trong một buổi truy quét các địa điểm săn bắt chim di cư của lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh, không khó để phát hiện ra những bó que tre chưa kịp tẩm nhựa, những hộp keo siêu dính còn vứt lăn lóc. Tất cả đều bị phá hết, đốt hết để người dân không có cơ hội tận diệt chim di cư.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 12.

Những con chim mồi bị buộc ở đây nhiều ngày cũng được lực lượng chức năng giải cứu, tháo dây trói chân khâu mắt. Tiếc của, không ít người dân bất chấp, lội ra vớt cò về, thậm chí to tiếng với thành viên của tổ liên ngành.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 13.

Hà Tĩnh có 3 địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng săn bắt chim trời là Nghi Xuân, Lộc Hà và Kỳ Anh. Trong đó, khu vực rừng tràm ven biển xã Kỳ Phú vốn là bãi săn chim có tiếng từ nhiều đời. Thiên la địa võng bẫy chim giăng ra trên những ngọn tràm nhiều đến mức lực lượng chức năng phá không xuể. Dù chưa chấm dứt hoàn toàn nhưng nhiều hộ dân thiệt hại nặng nề khi bị phá bẫy nên cũng không còn thiết tha với việc săn bắt.

Chim di cư vào mùa tận diệt - Ảnh 14.

Dù tất cả các hộ dân có truyền thống đánh bắt chim tự nhiên đều được chính quyền địa phương yêu cầu ký cam kết trước khi vào mùa chim di cư, nhưng mỗi khi vắng bóng cơ quan chức năng, một số hộ dân vẫn lén lút vào rừng đặt bẫy.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 32 cuộc kiểm tra, truy quét, thả hàng trăm con chim mồi và tiêu hủy 779 chim giả cùng hàng chục nghìn que tre tẩm nhựa, 21 loa phát tín hiệu gọi chim, hàng nghìn mét lưới. Dù đã có rất nhiều biện pháp ngay từ đầu mùa chim di cư, thế nhưng khi ý thức của người dân còn chưa thay đổi thì rất khó ngăn chặn tình trạng này tái diễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước