Cấp Methadone uống tại nhà sẽ mang lại nhiều hiệu quả?

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 05/04/2021 19:42 GMT+7

VTV.vn - Việc cấp phát Methadone để điều trị tại nhà phù hợp với địa bàn vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn.

Methadone là chất dạng thuốc phiện tổng hợp, tác dụng dược lý tương tự như các loại thuốc gây nghiện khác nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và tổn thương não ở liều điều trị.

Tại Việt Nam, điều trị Methadone được triển khai từ năm 2008, sau khi thí điểm và đánh giá thấy hiệu quả tốt, Chính phủ đã hoàn thiện các hướng dẫn điều trị theo hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới. Bệnh nhân tham gia chương trình điều trị Methadone đã cải thiện rõ rệt về tâm lý, sức khỏe, nhận thức, giảm gánh nặng, trở lại là người có ích cho gia đình, góp phần cải thiện, ổn định an ninh trật tự xã hội và giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Cấp Methadone uống tại nhà sẽ mang lại nhiều hiệu quả? - Ảnh 1.

Bệnh nhân xếp hàng lấy Methadone

Một điểm đáng chú ý là trong toàn bộ các lần sử dụng Methadone, người bệnh đều phải nhận thuốc dưới sự giám sát của bác sĩ. Hiện nay, có một sự thay đổi lớn là sau khi đã trải qua một thời gian ổn định, dựa trên quá trình tuân thủ đã được chứng minh, bệnh nhân có thể được xem xét dùng Methadone tại nhà kết hợp với các lần thăm khám định kỳ theo chương trình. Tức là thay vì hàng ngày phải đến cơ sở y tế để uống Methadone thì người tuân thủ điều trị tốt sẽ được cấp thuốc mang về nhà uống. Hiện hình thức này được thí điểm tại 3 địa phương là Lai Châu, Điện Biên và Hải Phòng, bắt đầu từ sáng nay (5/4).

Trong 220 người đang điều trị Methadone tại cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, có 20 người đủ tiêu chuẩn trở thành những người đầu tiên được mang thuốc về nhà uống. Tháng đầu chỉ phát 1 liều. Tức cách 1 ngày bệnh nhân mới phải đến. Sau 1 tháng bác sĩ đánh giá, nếu tuân thủ tốt sẽ tiếp tục tăng thêm 1 liều. Như vậy, số liều Methadone được mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ điều trị của từng người.

Số người bệnh được mang thuốc về càng nhiều đồng nghĩa với việc số người đến cơ sở y tế mỗi ngày để uống thuốc giảm đi. Từ đó sẽ giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Tại Lai Châu hiện có 2.300 người điều trị tại 8 cơ sở ở trung tâm y tế và 30 cơ sở cấp phát tại trạm y tế xã. Vì tỷ lệ tuân thủ điều trị đạt 85% nên theo kế hoạch, ngay từ hôm nay toàn tỉnh đã có 65 người được mang thuốc về, cao nhất trong 3 tỉnh thực hiện thí điểm.

Cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về nhằm nâng hiệu quả điều trị nghiện, cũng là cách mới, phù hợp trong tình hình phòng chống COVID-19.

Tại Việt Nam, sau 12 năm triển khai, tuy đã đạt 28% tổng số người nghiện nhưng có tới hơn một nửa bỏ điều trị. Vì nhiều lý do, người bệnh không đủ kiên trì ngày nào cũng đến cơ sở y tế uống thuốc. Do vậy, việc cho mang Methadone về sẽ giảm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho họ duy trì điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước