Liên quan đến tình trạng sạt lở tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, theo các chuyên gia, ngoài các nguyên nhân khách quan do khí hậu, môi trường thay đổi đã tác động phần nào đến hiện tượng thay đổi dòng chảy thì nạn cát tặc nạo vét hút cát cũng là nguyên nhân chính gây ra sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra tại khu vực này. Tuần qua Thủy đoàn II Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã truy quét tạm giữ gần 10 phương tiện của các đối tượng này tại hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Nằm núp sâu trong những con lạch đổ ra sông Cửa Đại là những chiếc ghe hút cát lậu trên sông. Quanh cù lao Thới Trung thuộc địa bàn quản lý của hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có đến hàng chục ghe hút cát trọng tải vài chục tấn cho đến hàng trăm tấn… Ban ngày, đây là nơi trú ngụ, ngủ nghỉ lấy sức để khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những hoạt động hút cát lậu diễn ra cả đêm trên đoạn sông này.
21h đêm, những chiếc ghe, ca nô của lực lượng chức năng không đèn chỉ có tiếng máy nổ từ bờ nhằm hướng cù lao Thới Trung rẽ nước. Ra đến giữa sông, 1-2 bóng đen của những chiếc tàu hút cát đang nổ máy ầm vang nằm giữa sông. Khi ánh đèn pin được bật, tiếng còi hú vang lên cũng là lúc gần 10 chiếc ghe bị phát hiện vi phạm pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, mỗi phương tiện có tải trọng 60m3 cát và chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, những chiếc tàu này sẽ hút đầy cát.
Đại diện lãnh đạo Thủy đoàn II cũng cho biết, vì lợi nhuận từ khai thác cát lậu cao nên các đối tượng cát tặc thường bố trí theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng. Mặt khác, do địa bàn quản lý đường thủy vùng giáp ranh tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ thường chia cắt dọc theo giữa sông, nên cơ quan chức năng các tỉnh cũng phần nào hạn chế trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng cát tặc trên các tuyến sông này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!