Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì lên đến hơn 121.000 xe/ngày đêm, vợt 8 lần so với thiết kế ban đầu. Đây được coi là 1 trong những nguyên nhân thường xuyên gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm và tai nạn giao thông. Để giải quyết tình trạng này, mới đây, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đang tổ chức lại giao thông trên cầu.
Sau khi được tổ chức lại, cầu Thanh Trì có 3 làn ô tô và 1 làn dành riêng cho xe máy được chia bằng dải phân cách. Bên cạnh việc tổ chức lại giao thông, một số khu vực hư hỏng trên bề mặt cầu cũng được sửa chữa. Ảnh: Báo Giao thông
Hàng chục lượt xe ô tô đi vào làn dành riêng cho xe máy. Ảnh: Báo Giao thông
Theo phương án tổ chức lại giao thông, cầu Thanh Trì có 3 làn ô tô và 1 làn dành riêng cho xe máy, ngăn cách bằng dải phân cách. Không tổ chức làn xe hỗn hợp, tách biệt hoàn toàn giữa xe cơ giới và xe thô sơ. Một số khu vực hư hỏng trên bề mặt cầu cũng sẽ được sửa chữa. Đặc biệt, tốc độ cho phép 80 km/h đã hạ xuống còn 60 km/h.
Tuy nhiên, thực tế thời gian đầu chia lại làn, rất nhiều người còn khá bỡ ngỡ nên tình trạng ô tô di chuyển vào làn hỗn hợp vẫn còn phổ biến. Lực lượng CSGT thời gian đầu sẽ hướng dẫn người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi đúng làn đường quy định. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý những trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Dù đã có dải phân cách chia làn, biển báo giao thông tách làn xe máy và ô tô, nhưng trên cầu Thanh Trì (TP Hà Nội) vẫn xuất hiện tình trạng ô tô lũ lượt đi vào làn dành riêng cho xe máy.
Biển phân làn dành riêng cho xe máy to và rõ ở đầu cầu nhưng nhiều tài xế ô tô vẫn có thể đi sai. Ảnh: Báo Giao thông
Việc những chiếc ô tô đi sai làn đã khiến những chiếc xe máy di chuyển qua đây khó khăn vì làn đường này đã bị thu nhỏ. Ảnh: Báo Giao thông
Do phân làn nhưng cùng lúc sửa chữa mặt cầu nên tình trạng ùn tắc chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là khi có xe ô tô bị hỏng bất ngờ trên cầu. Bên cạnh đó, không ít các vụ va chạm giao thông cũng đã xảy ra.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng việc điều chỉnh dải phân cách trên cầu Thanh Trì là hợp lý, tuy nhiên, cần hướng đến mục đích cuối cùng là tách dòng phương tiện, việc điều chỉnh cần được làm đồng bộ với biển báo.
Nhiều năm trở lại đây, cầu Thanh Trì trở thành "điểm đen" về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vì số lượng phương tiện lưu thông qua cầu gấp 8 lần so với thiết kế ban đầu là 15.000 lượt phương tiện/ngày. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khiến nhiều lái xe không khỏi lo sợ khi đi qua cây cầu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!