Theo quy định, việc tháo dỡ, đập bỏ, xây dựng các công trình liên quan đến biệt thự cổ tại TP.HCM phải được Hội đồng phân loại biệt thự đánh giá biệt thự ở cấp độ nào. Chính vì những yêu cầu và thủ tục ngặt nghèo mà suốt nhiều năm qua, không ít ngôi biệt thự cổ đã âm thầm biến mất hoặc chủ nhà phải khổ sở sống trong không gian xuống cấp, thậm chí, cả những công trình lớn cũng gặp khó khăn vì vướng phải biệt thự cổ.
Một biệt thự cổ đang xuống cấp tại TP.HCM
Công trình nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh - "rốn ngập" của TP.HCM đang trong những ngày gấp rút thi công thì lại gặp khó vì một lý do hết sức oái oăm là đường ống thoát nước của dự án phải đi qua một ngôi biệt thự cổ. Trong khi đó, ngôi biệt thự này dù xuống cấp nhưng xây không được, phá cũng chẳng xong bởi nó nằm trong danh sách 16 biệt thự cũ đang được thành phố phân loại. Đơn vị thi công lại không còn cách nào khác ngoài chờ đợi xem căn biệt thự này có được phép tháo dỡ hay không.
Chờ đợi phân loại cũng là lý do mà ông Trần Việt Hùng ở Quận Thủ Đức đã 20 lần tới lui các cơ quan cấp phép để xin giấy sửa chữa nhà. Nguyện vọng chưa được giải quyết, gia đình gần 10 người đành sống trong ngôi nhà rệu rã, xuống cấp.
Từ tháng 9/2018, UBND TP.HCM đã ban hành các tiêu chí phân loại biệt thự cũ theo 3 nhóm. Tuy nhiên, theo Hội đồng phân loại, còn không ít biệt thự cũ chưa được rà soát do vướng mắc các thủ tục và sự chậm trễ của các đơn vị liên quan.
Theo các chuyên gia, việc bảo tồn biệt thự cổ ở TP.HCM đang có nhiều bất cập, dẫn tới việc phân loại dù tiến hành nhiều năm nhưng mãi cũng không xong.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố vừa đề xuất bổ sung thêm các chuyên gia trong và ngoài nước làm nhân sự cho Hội đồng phân loại biệt thự. Dự kiến tháng 6/2021, việc phân loại biệt thự sẽ tiến hành xong. Vậy là những người như ông Hùng có lẽ sẽ phải cùng ngôi nhà của mình nằm im nghe nắng nghe mưa thêm ít nhất 1 năm nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!