Đầu xuân 2024, tìm thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) hỏi Nguyễn Sỹ Luân thì nhiều người dân địa phương đã nhanh chóng nhận ra. Bởi sau khi một số tác phẩm tre bonsai, mà nổi bật hơn cả là tác phẩm "Lưỡng long chầu nhật" được lựa chọn để trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12/2023, chàng nghệ nhân trẻ sinh năm 1995 này đã được nhiều người ghi nhận ở khả năng chế tác và sáng tạo khi biến những phôi tre trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, lôi cuốn người thưởng ngoạn.
Tác phẩm tre bonsai được trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Công việc tạo tác đòi hỏi sự tỉ mỉ
Cũng ít ai biết, 7 năm trước, Sỹ Luân chỉ là một công nhân làm việc tại khu công nghiệp trong thị xã Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh.
"Làm công nhân nhưng tôi vốn có máu đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Những sản phẩm từ gốm, cây cảnh luôn mê hoặc, cuốn hút tôi. Tối nào tôi cũng lên mạng để xem nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh ở Đa Tốn, Gia Lâm chia sẻ những câu chuyện trong thế giới cây cảnh. Một thời gian sau, tôi mạnh dạn xin được đi theo học công việc làm cây cảnh cùng nghệ nhân Nguyễn Anh Tuấn và đã được anh đồng ý. Đó có thể cũng gọi là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi."- Sỹ Luân nhớ lại.
"Lưỡng long chầu nhật" là tác phẩm Sỹ Luân đặc biệt tâm đắc
Bước vào con đường trở thành một nghệ nhân của giới cây cảnh, một thời gian sau, Sỹ Luân mới phát hiện ra, trong thế giới phong phú đó, cây tre có sự cuốn hút đặc biệt đối với anh: "Tre giữ được những nét tự nhiên mà con người không thể tạo tác ra được những nét nguyên thủy đó. Mỗi cây là một hình thái khác nhau. Đứng trước nó mình phải chiêm nghiệm, phải suy nghĩ, tự tìm sự lí giải. Tôi nghĩ điều đó cũng là sự cuốn hút lớn nhất của tre bonsai." Nhưng "nghề chơi cũng lắm công phu".
Tre mê đắm, tre cuốn hút nhưng thời gian đầu, gom vốn liếng sau nhiều năm tích góp bằng nghề công nhân và trồng cây cảnh, Sỹ Luân đầu tư vườn phôi tre tiền tỷ. May mắn không đến trong lần đầu tiên khi cả vườn tre bị khô chết gần hết, khiến anh mất trắng. Không chịu từ bỏ, Nguyễn Sỹ Luân quyết định vay mượn kinh phí từ những người thân trong gia đình để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, với hàng trăm, hàng nghìn phôi tre được anh tìm tòi, chắt lọc thu gom về nuôi dưỡng, tạo tác.
Ấp ủ những dự định mới
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, anh đã tự mày mò, tìm công thức chăm sóc bonsai cho riêng mình. Hiện khu vườn rộng khoảng 2ha có hàng nghìn loại cây cảnh khác nhau như: Tùng, cúc, trúc, mai, lan… Tuy nhiên, tre bonsai vẫn là điểm nhấn và là tâm huyết nhất.
Tuyệt vời hơn khi một thời gian sau, chàng trai trẻ có cơ duyên làm quen với nghệ nhân trà đạo Nguyễn Cao Sơn (người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp- năm 2022) . Giống tích Bá Nha, Tử Kỳ. Cuộc gặp gỡ này đã đưa những tác phẩm tre bon sai của Sỹ Luân xuất hiện trong các sự kiện trà của nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn. Dấu ấn nhất là sự hòa hợp của trà đạo và tre bon sai tại "Ngôi nhà di sản" 87 Mã Mây trong hai ngày 18-19/11/2023 nhân sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại phố cổ Hà Nội.
Mỗi tác phẩm mang một ý nghĩa riêng
Ở sự kiện đặc biệt này, đã có 21 tác phẩm tre cảnh - tre nghệ thuật trong HTX Vườn Chum của Sỹ Luân được chọn trưng bày trong khán phòng của tiệc trà, trong đó, nhiều người chú ý nhất là tác phẩm nghệ thuật "Lưỡng Long chầu nhật".
Đặc biệt, tác phẩm tre bonsai "Lưỡng Long chầu nhật" của Luân sau đó, được lựa chọn để trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà. Thêm một lần nữa vẻ đẹp của cây tre Việt Nam, văn hóa Việt Nam được cộng đồng quốc tế sẻ chia, ghi nhận.
"Không gì có thể hạnh phúc hơn khi các sản phẩm của tôi được tuyển chọn trưng bày tại tiệc trà trong cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là phần thưởng vô cùng quý báu của tôi sau nhiều năm đam mê vô bờ bến với cây tre. Gần đây, cũng nhiều người ngỏ ý muốn mua tác phẩm này nhưng tôi không bán dù bất cứ giá nào" - Nguyễn Sỹ Luân tâm sự.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Sỹ Luân chia sẻ với PV VTVTimes
Trong khu vườn rộng khoảng 2 ha của Sỹ Luân hiện nay có nhiều loại cây cảnh khác nhau như: Tùng, cúc, trúc, mai, lan… nhưng đúng như tâm sự của chàng trai trẻ này, mê đắm nhất, với anh, vẫn là những cây tre bonsai.
"Cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Tre, trúc thường được ví như 1 quân tử mạnh mẽ và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, qua những truyện cổ tích như Thánh Gióng, ta thấy ông cha ta từng dùng cây tre để chiến đấu với quân xâm lược. Đến chiến tranh hiện đại thì tre đóng vai trò rất quan trọng. Lũy tre làng chống giặc, là nguyên liệu tạo vũ khí như nỏ, cung,…. Tre đã giúp đẩy lui bao thế lực từng xâm lược nước ta" - chính vì nhiều ý nghĩa như vậy nên Sỹ Luân quyết định, trong thời gian tới, anh sẽ tập trung hơn nữa, bỏ nhiều tâm huyết hơn nữa, cho những tác phẩm tre bonsai.
Cuối năm vừa rồi, một niềm vui nữa cũng đến với Sỹ Luân khi ra mắt "Diễn đàn tre Bonsai Việt Nam" được tổ chức chứng nhận. Trồng tre cảnh giờ đây đã trở thành một nghề, một công việc chính thức của các nghệ nhân được nhà nước thừa nhận.
Mong muốn lớn nhất bây giờ, với Sỹ Luân, là sự đồng hành, gắn kết của những người yêu nghệ thuật tre bonsai. Làm sao để có thể lan tỏa hơn nữa, làm nổi bật hơn nữa những giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, văn hóa của cây tre Việt Nam.
Một số tác phẩm bonsai tre của Nguyễn Sỹ Luân:
Tác phẩm Thiên Bồng Nguyên Soái
Tác phẩm Ngũ Long Giáng Thế
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!