Tồn tại duy nhất trên quần đảo Cát Bà (Huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), đàn voọc Cát Bà có khoảng 70 con, là loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và cũng nằm trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Mất nhiều giờ di chuyển hàng chục km quanh các ngọn núi đá vôi của quần đảo Cát Bà, cùng với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị chuyên dụng mới ghi lại được những hình ảnh hiếm hoi về cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của đàn voọc Cát Bà.
Đã từng có tới hơn 3.000 con voọc sống tại quần đảo này vào những năm 1960. Sau 60 năm, cả thế giới chỉ còn 70 con voọc Cát Bà - loài linh trưởng đặc hữu không có ở bất cứ đâu khác ngoài quần đảo này. Việc săn bắt tận diệt đã khiến cho loài động vật quý hiếm này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Một đàn voọc có 8 cá thể và 1 con non mới sinh nữa là 9 nhưng đã chiếm tới 11% tổng số đàn voọc Cát Bà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xung quanh môi trường sống của chúng tràn ngập rác. Những hành vi này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của loài voọc.
Khác với tất cả các loài voọc trên thế giới, voọc Cát Bà khi sinh ra có lông màu vàng, trưởng thành sẽ chuyển thành màu đen, chỉ có chỏm lông trên đầu vẫn giữ nguyên màu vàng. Phải mất từ 2 năm rưỡi đến 3 năm, voọc mới sinh sản 1 lần. Tuy nhiên, không phải con non nào sinh ra cũng có thể tồn tại.
Một con voọc đực sống đơn lẻ đang đến chiếm đàn của 1 con voọc đực khác. Sau khi đánh đuổi con đầu đàn và chiếm được đàn voọc cái, nó phát hiện ra trong đàn có con non. Ngay lập tức con voọc non bị con đực mới đến cắn chết và vứt xác xuống biển. Hành vi bản năng này làm cho con voọc cái nhanh chóng quay về chu kỳ sinh sản nhưng cũng khiến cho việc nhân giống đàn voọc trở nên khó khăn.
Anh Mai Sỹ Luân - Cán bộ dự án bảo tồn voọc Cát Bà cho biết, một số cá thể sinh ra cũng sẽ chết đi do nguyên nhân tự nhiên hoặc do con đực đến chiếm đàn. Năm nay cũng đã mất 2, 3 con non do bị con đực giết.
Không chỉ đối mặt với những nguy cơ từ tự nhiên, hoạt động phát triển du lịch ồ ạt những năm gần đây cũng tác động không nhỏ đến loài voọc Cát Bà. Những chiếc thuyền du lịch với đủ loại tiếng ồn và chất thải gây ô nhiễm đi ngay sát nơi sinh sống của voọc không hề hiếm gặp. Thậm chí, trong những khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, không được phép xâm phạm vẫn có những đoàn khách du lịch chèo thuyền vào khám phá.
Theo ông Neahga Leonard - Giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà, tất cả khu vực này đều nằm ngoài giới hạn của khách du lịch. Đây là khu vực bảo vệ tự nhiên của một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Toàn bộ khu vực từ bán đảo Kudong đến bán đảo Bình Bảo, khách du lịch đều không được phép đi ra hay đi vào khu vực này.
Voọc Cát Bà là loài linh trưởng rất quý hiếm chỉ có trong các cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt của đảo Cát Bà, Hải Phòng với diện tích sinh sống nhỏ hơn 100 km² và có tên trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Đây cũng là dạng linh trưởng hiếm nhất châu Á và đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Nếu không có những biện pháp bảo vệ quyết liệt, những thế hệ mai sau có lẽ chỉ còn được biết đến voọc Cát Bà qua những thước phim.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!