Trong 10 năm qua, thể lực của người Việt đã có chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cách đây 10 năm, chiều cao của người Việt Nam đứng gần thấp nhất trong khu vực, chỉ nhỉnh hơn hai quốc gia Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, sau 10 năm, theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, chiều cao ở nam thanh niên nước ta là 168,1cm và nữ là 156,2cm. Như vậy, chiều cao trung bình của nam tăng 3,7cm, nữ tăng 2,6cm trong 10 năm qua.
Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990 - 2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955 - 1995. Theo đó, trong nhiều thập kỷ liền, mức tăng trưởng chiều cao của Nhật Bản luôn là 2,8cm.
Như vậy, tầm vóc của người Việt đã có sự cải thiện. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ tiếp tục tăng lên.
Tầm vóc của người Việt đã có sự cải thiện. (Ảnh: Dân trí)
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có được mức tăng nhanh như vậy là nhờ chăm sóc 1.000 ngày vàng đầu đời để giảm suy dinh dưỡng thấp còi (thấp về chiều cao), chương trình bổ sung vitamin A, phòng chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai, dinh dưỡng học đường… Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại nước ta đã giảm, từ 59% vào năm 1985 xuống còn 19,6% trong năm 2020.
1.000 ngày đầu đời tức là từ khi thụ thai cho đến 2 tuổi. 1.000 ngày "vàng" của trẻ được chia như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ hai. 1.000 ngày "vàng" được y học hiện đại và các nghiên cứu khoa học thừa nhận là giai đoạn quyết định về phát triển chiều cao.
Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc hiện là quốc gia có chiều cao nổi bật nhất khi nam thanh niên đạt 173,9cm, nữ đạt 161,1cm, tiếp theo là Ấn Độ, vị trí thứ ba là Nhật Bản. Việt Nam có mức tăng trưởng chiều cao xấp xỉ Malaysia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!