Những hoàn cảnh cô đơn không người thân thích, tuổi già tàn tật, trẻ mồ côi, bị bỏ rơi… được các địa phương kịp thời tiếp nhận ở các cơ sở, trung tâm Bảo trợ xã hội. Mỗi người khi đến với các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm thiếu thốn, khao khát tình thân. Bởi thế, họ coi cơ sở bảo trợ xã hội là mái nhà chung và những người sống trong đó là một gia đình lớn.
Không chỉ người cao tuổi, trung tâm còn hỗ trợ nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Dựa vào ưu điểm của mỗi em, trung tâm đều định hướng nghề nghiệp phù hợp nhằm giúp các em trở thành người có ích cho xã hội, tự nuôi sống bản thân mình.
Thời gian vừa qua, nhiều điểm tích cực trong quy định mới có ý nghĩa rất quan trọng với đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt với đối tượng là người yếu thế.
Ông Trần Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết: ''Chính sách mới và các chế độ đều được tăng. Hiện chúng tôi đang quản lý 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội và chi trả khoảng 23 tỷ mỗi tháng. Các đối tượng thuộc diện cần sự cưu mang của nhà nước đều được xem xét tiếp nhận kịp thời bởi vì họ quá thiếu thốn nên xem đây như mái ấm thứ hai''.
Từng mảnh đời khiếm khuyết nương tựa vào "đại gia đình" này để vơi bớt cô đơn, giúp nhau chắp vá tình cảm bị thiếu thốn. Cái tình của những cán bộ, nhân viên ở đây chính là ngọn lửa sưởi ấm, giúp họ có thêm nghị lực để sống tiếp cuộc đời còn lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!