Chống COVID-19, độ phủ vaccine không còn là 70% mà là trên 80%

VTV-Thứ ba, ngày 17/08/2021 05:54 GMT+7

VTV.vn - Ngoại giao vaccine sẽ giúp tăng độ phủ lên hơn 80%. Hiện Việt Nam đang có chiến lược ngoại giao vaccine ra sao khi chiến dịch tiêm chủng bước vào giai đoạn tăng tốc?

Bất bình đẳng vaccine COVID-19 trên thế giới

Mục tiêu toàn cầu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra là tiêm phòng ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới trước tháng 9/2021, 40% cho đến cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Đây là những cột mốc cần phải đạt được để kết thúc đại dịch.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine là không đồng đều giữa các quốc gia.

Tổng Giám đốc WHO Tedros cảnh báo rằng, do nguồn cung vaccine không công bằng, "thế giới đang trên bờ vực của một sự thất bại thảm hại về đạo đức và cái giá của sự thất bại này sẽ là sinh mạng và sinh kế của những quốc gia nghèo nhất thế giới".

Bà Carissa Etienne - Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ cho hay: "Chúng tôi cần nhiều vaccine hơn nữa, thông qua tài trợ hoặc mua trực tiếp cho các quốc gia. Chúng tôi cần vaccine ngay bây giờ!".

Trong khi đó, ông Najib Balala - Bộ trưởng Bộ Du lịch Kenya đưa ra quan điểm: "Chúng tôi cần sự công bằng. Các nước Phương Tây nên ngừng tích trữ vaccine. Họ đang đặt hàng vaccine gấp 4 lần nhu cầu của họ. Trong khi các quốc gia châu Phi không có đủ 10% nhu cầu vaccine, chúng tôi bị từ chối tiếp cận nguồn vaccine. Đó là công bằng mà chúng tôi muốn nói đến".

Chống COVID-19, độ phủ vaccine không còn là 70% mà là trên 80% - Ảnh 1.

Việc tiếp cận vaccine là không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa.

"Cơ chế COVAX được thành lập là để đảm bảo vaccine sẽ được phân phối đến những quốc gia cần nhất trên thế giới. Vì vậy, không quan trọng nếu bạn là công dân của 1 quốc gia giàu hay nghèo, tất cả đều phải có quyền tiếp cận vaccine như nhau", ông Cyrus Janssen - Nhà tư vấn, APP Marketing Solutions nhấn mạnh.

Lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine

Thế giới đang trong cuộc chạy đua với thời gian để tiêm chủng nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Độ phủ vaccine cần có lúc này không phải là 70% nữa mà là 80% hoặc hơn. Vaccine là vũ khí hiệu quả nhất, thế nhưng trên thế giới thứ vũ khí đó đang không được phân bổ đồng đều. Hơn 4 tỉ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 80% trong số này được chuyển đến các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Ở các nước này, tỷ lệ trung bình đã tiêm gần 100 liều vaccine cho mỗi 100 người. Trong khi ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ chỉ là 1,5 liều trên 100 người do thiếu nguồn cung vaccine. Sự bất bình đẳng vaccine lại càng bị khoét sâu khi các nước giàu lên kế hoạch tiêm liều vaccine thứ 3 cho công dân của mình.

Các khoản quyên góp vaccine theo cơ chế Covax, dù hào phóng đến đâu, cũng không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu về vaccine trong khung thời gian cần thiết để ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện. Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã kích hoạt một chiến lược ngoại giao vaccine chủ động... Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, gồm 8 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng.

Trong bối cảnh nhu cầu rất cấp bách ở trong nước, trong khi nguồn vaccine rất khan hiếm trên toàn cầu, chính vì thế mục đích chính của việc thành lập Tổ công tác là tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ ngành liên quan, để đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa công tác ngoại giao vaccine. Đáp ứng tốt hơn nữa, kịp thời hơn nữa yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 ở trong nước.

Với nỗ lực ngoại giao vaccine, đến nay Việt Nam đã nhận được khoảng 20 triệu liều vaccine. Chủ trương sớm tiếp cận vaccine phòng chống COVID-19 được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định, hàng loạt các cuộc tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các nước đã được tiến hành.

Chống COVID-19, độ phủ vaccine không còn là 70% mà là trên 80% - Ảnh 2.

GS.TS Phạm Quang Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 16/8.

GS.TS Phạm Quang Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định: "Công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam đang đạt được những thành tựu ban đầu đáng ghi nhận.

Trong thời gian vừa qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt. Có hàng trăm các cuộc làm việc, các cuộc điện đàm và các cuộc tiếp xúc trong và ngoài nước. Không có cuộc làm việc nào của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như của các đồng chí đại diện các bộ ngành với các đối tác nước ngoài, mà không đề cấp tới các vấn đề về hợp tác vaccine, cũng như vấn đề tiếp cận vaccine.

Tất cả đã đem lại lòng tin cho nhân dân Việt Nam ở thời điểm hiện tại".

Kích hoạt chiến lược ngoại giao vaccine chủ động

Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, để thực hiện nhiệm vụ cấp bách bảo vệ hạnh phúc của nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19, sự hợp tác quốc tế hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có việc đảm bảo nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời với vaccine phòng chống dịch bệnh.

Các lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong các cuộc tiếp xúc và hội đàm với lãnh đạo cấp cao các quốc gia luôn đặt vấn đề cung cấp vaccine cho Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm và tiếp xúc này, lãnh đạo cấp cao các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa kỳ và cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chia sẻ với Việt Nam về nhu cầu vaccine hiện nay và đều đồng ý hỗ trợ Việt Nam vaccine hay phân bổ nguồn vaccine trong chương trình vaccine của LHQ cho Việt Nam. Cùng với đó là một số cam kết tạo điều kiện cho Việt Nam sớm tiếp cận với nguồn vaccine và chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam.

Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, WHO đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để cung cấp vaccine trong thời gian ngắn nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều vaccine hơn trong thời gian tới để bảo vệ càng nhiều càng tốt người dân khỏi tình trạng bệnh nặng và tử vong. WHO hợp tác cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực hệ thống quản lý vaccine của Việt Nam, hướng dẫn nghiên cứu và phát triển vaccine trong nước.

Chống COVID-19, độ phủ vaccine không còn là 70% mà là trên 80% - Ảnh 3.

Việt Nam cần tới ít nhất hơn 100 triệu liều vaccine nữa để phủ được 70% - 80% dân số. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam còn chủ động bảo đảm nguồn cung ứng và phân phối vaccine phòng COVID-19 thông qua các kênh đa phương, các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Tại cơ chế hợp tác ASEAN và ASEAN+, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến Quỹ ứng phó COVID-19 nhằm mua vaccine và thúc đẩy nghiên cứu vaccine của ASEAN.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Quỹ ứng phó với COVID-19 mà Việt Nam thành lập từ năm ngoái cho đến bây giờ đã có được 20,5 triệu USD, đóng góp của các nước thành viên và của các nước đối tác. ASEAN đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD để mua vaccine cho các nước thành viên thông qua hợp tác với UNICEF.

Ngoài ra, các nước như Ấn Độ, Anh, Australia, Cuba, Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Trong bối cảnh khan hiếm hiện nay, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong ngoại giao vaccine.... đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, giúp Việt Nam đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Trong những tháng tới, Việt Nam cần tới ít nhất hơn 100 triệu liều vaccine nữa để phủ được 70% - 80% dân số. Lượng vaccine có được từ ngoại giao là rất có ý nghĩa trong thời điểm khan hiếm hiện nay, từng chút một giúp Việt Nam miễn dịch cộng đồng nhiều hơn, nhanh hơn. Biến thể Delta đã phá vỡ kịch bản hồi phục của hầu hết quốc gia trên thế giới. Nhưng dù ở kịch bản nào thì vaccine vẫn là tuyến phòng ngự đầu tiên trước COVID-19. Một chiến lược kết hợp giữa tiêm vaccine và những biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ, cùng sự hợp tác toàn cầu ở mức độ sâu sắc hơn là cách để khống chế bệnh dịch về lâu dài.

Mời quý độc giả xem video chương trình Vấn đề hôm nay dưới đây để hiểu rõ hơn về ngoại giao vaccine:

Vấn đề hôm nay - 16/8/2021


Tổ công tác về ngoại giao vaccine chính thức hoạt động Tổ công tác về ngoại giao vaccine chính thức hoạt động

VTV.vn - Chiều 16/8, phiên họp đầu tiên của tổ công tác đã diễn ra, ngay sau Quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước