Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP)
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô sẽ bắt đầu từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021.
Trong 4 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nước có độ mặn 1,6 miligam trong 1 lít từ sông Tiền và sông Hàm Luông đã xâm nhập hơn 5km vào hệ thống kênh rạch của xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Dù vùng đất này cách cửa biển cả trăm km, nhưng hạn hán đã làm nước mặn trong lòng đất trồi lên, kết hợp với độ mặn trong các kênh rạch gấp 4 lần nước tưới bình thường khiến cho hơn 3.000 trong hơn 10.000 ha trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại khoảng 3500 tỷ đồng.
Từ cuối mùa mưa, vào tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính quyền 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hạn và xâm nhập mặn, nên dù hạn hán kéo dài và khốc liệt hơn so với năm 2016 nhưng cả vùng vẫn được mùa, thiệt hại về lúa của cả vùng chỉ bằng 14% và cây ăn trái chỉ bằng 1/3. Kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn tăng cao. Đời sống nhân dân được nâng cao, số người bị thiếu nước sạch cũng chỉ bằng gần một nửa. Ở vựa sầu riêng lớn nhất cả nước này, đến nay, nhiều diện tích trồng loại cây ăn trái vẫn chưa hồi phục, nhưng nhiều nông dân ứng dụng kỹ thuật cho sầu riêng ra trái nghịch vụ từ tháng 5 - 8, tránh được hạn hán và xâm nhập mặn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do mưa ít nên mùa mưa năm nay lũ dọc dòng chính sông Mekong bị giảm 1/4 so với nhiều năm. Đến đầu tuần này, tổng lượng mưa ở trạm Kratie khống chế toàn bộ lượng nước về hạ du ở mức thấp nhất trong 25 năm qua. Còn các hồ lớn ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Tây Nguyên đang thiếu từ 30 - 80% lượng nước.
Dự báo, ít nhất hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô tới, từ tháng 12 đến tháng 4, sẽ như đầu năm nay. Nhưng cũng có khả năng do La Nina, mưa trái mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể hơn trung bình nhiều năm. Vì thế, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về chủ động ứng phó với hạn hạn và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều biện pháp cụ thể. Trong khi đó, 5 cống ngăn mặn ở nhiều tỉnh trong vùng vừa được khánh thành để bảo đảm nước tưới cho 630.000 ha với 3,5 triệu dân.
Nhấn mạnh tinh thần cần thực hiện mọi biện pháp để phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu để giữ ổn định đời sống cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước mắt các Bộ phải làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô tới để người dân chủ động ứng phó trên tinh thần 4 tại chỗ. Rút kinh nghiệm từ việc không trồng 100.000 ha lúa ở những vùng có nguy cơ cao trong mùa khô vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động làm việc với các địa phương về diện tích trồng lúa trong các vụ tới, đồng thời tiếp tục hướng dẫn nông dân bảo vệ các vườn cây ăn trái.
Lấy kinh nghiệm từ tỉnh Tiền Giang đã bỏ ra 60 tỷ đồng đề mua nước hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái, Thủ tướng yêu cầu các các địa phương phải bổ sung ngay các giải pháp trữ nước để bảo đảm không để một người dân nào bị thiếu nước sinh hoạt.
Khẳng định chủ trương dù còn khó khó khăn nhưng ưu tiên cao nhất của Trung ương vẫn là hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Trung ương sẽ dành khoảng 2 tỷ USD để đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các Bộ và các tỉnh, thành sớm hoàn thiện báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long sát với tình hình biến đổi khí hậu. Đồng thời đưa vào quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh hệ thống cấp nước sinh hoạt nhất là ở vùng ven biển và vùng bán đảo Cà Mau, để từ đó kịp thời đưa ngay vào danh mục đầu tư công trung hạn những dự án cấp bách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!