Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình sạt lở ở Tiền Giang. (Ảnh: VGP)
Trước tình hình sạt lở, bở sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng hơn trong mấy tháng gần đây cùng với hạn hán có thể xảy ra vào cuối năm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bàn các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Mười ba tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 564 điểm sạt lở được thể hiện trên bản đồ với các điểm mầu "đỏ xanh" và màu "đỏ vàng" tùy theo mức độ, với tổng chiều dài 834 km. Trong đó, có 52 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài gần 270km. Còn sạt lở bờ sông có 512 điểm với chiều dài khoảng 566 km. 10 năm gần đây, Nhà nước đã bố trí trên 16.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình phòng chống sạt, lở. Trong đó riêng 2 năm qua, sau các cuộc làm việc giữa Thủ tướng với lãnh đạo 13 tỉnh, thành, nhà nước đã bố trí trên 4.000 tỷ. Nhưng mấy tháng qua, đã xuất hiện thêm 13 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm khác.
Nguyên nhân của tình trạng này là do phía nam sông Hậu trong 10 năm qua, đã bị lún từ 5-10cm. Có điểm ở Cần Thơ lún tới 47cm và Cà Mau là 30cm. Từ đó là kết cấu đất ở các bờ sông bị tan vỡ. Bên cạnh đó, 20 năm qua, phù sa trên sông Mekong đã giảm một nửa. Cộng thêm các thủy điện trên dòng chính làm hụt thêm 40%. Như vậy, lượng phù sa tự nhiên về đến sông Cửu Long chỉ còn bằng 1/10 so với trước. Đây là quá trình không thể đảo ngược và chỉ còn cách tìm ra giải pháp thích ứng lâu dài. Ngay tại khu vực ven đê biển Gò Công mà tỉnh Tiền Giang vừa công bố là 1 trong 4 điểm nóng để công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở cách đây 3 ngày, gia đình Trương Văn Xang, một hộ nghèo ở xã Tân Thanh mà Thủ tướng đến thăm trưa nay, nước biển đang tiến gần vào sát nhà.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không ai ngờ được biến đổi khí hậu lại diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long nhanh đến như vậy. Vì thế, các cấp đảng bộ và chính quyền ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cần phải ý thức được hết những thách thức này để đề cao ý chí và nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu của đồng bào, để vùng này mãi mãi là vựa lúa, vựa trái cây và là nơi sản xuất thủy sản lớn nhất của cả nước. Trước hết cần phải nâng cao ý thức và thay đổi tập quán dựng nhà ven sông và ven biển của đồng bào, đi cùng với quy hoạch lại dân cư. Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành sớm các công trình nghiên cứu khoa học một cách căn cơ nhất đề tìm ra giải pháp về chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là giải pháp kè bê tông, hay bẫy bồi để trồng rừng ngập mặn ở hơn 740 km bờ biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Và trước sự đe dọa của thiên nhiên đối với sự đời sống và sinh mạng của đồng bào trong vùng, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội sử dụng vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cùng với vốn đầu tư công trung hạn và ODA để xây dựng nốt các công trình phòng chống ở 59 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài trên 100 km.
Để ứng phó với tình hình hạn hán có thể xảy ra vào cuối năm, do lũ muộn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang ở trên báo động 1, thấp hơn nhiều so với năm ngoái và có thể xảy ra hạn hạn và xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị với các tỉnh, thành trong vùng để quyết định thời điểm bắt đầu vụ Đông Xuân tới cũng như diện tích lúa sẽ gieo trồng. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải có giải pháp ngay từ bây giờ để bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho cho đồng bào, không được để lặp lại tình trạng như cách đây 3 năm.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao các tỉnh, thành trong vùng đã nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào kết quả tốt đẹp chung của cả nước, mà những số liệu mới nhất đã cho thấy, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước có thể sẽ cao hơn kế hoạch và lạm phát sẽ ở mức khá thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!