Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lăk - nơi phát hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk, cả buôn đã được khoanh vùng, khử trùng và uống thuốc dự phòng nhưng người dân vẫn không hiểu được bệnh bạch hầu là gì. Phát thuốc thì uống, nhưng khó chịu thì lại bỏ.
Cũng như các khu vực dịch khác, đồng bào M'nông ở đây không đưa con đi tiêm chủng. Hầu hết trẻ chỉ tiêm vaccine sau khi khu vực này có ca bệnh bạch hầu. Gia đình chị H' Dơn Uông là một ví dụ.
Chị H' Dơn Uông cho biết: Đứa con gái đi học thì được tiêm 2 lần còn những đứa khác chưa được tiêm lần nào".
Đáng nói, dù buôn Diêo đã được cách ly để tránh lây lan nhưng người dân vẫn đi ra ngoài làm ăn, các chốt chặn cũng không có chính quyền địa phương hay công an giám sát.
Chị H' Vân Kmãn nói: -Trong khu mình có dịch nên họ không cho đi làm thuê
PV: Có ai trốn đi làm không?
Chị H' Vân Kmãn: Có chứ. Phải đi làm mới có cái ăn.
Các chốt chặn không có chính quyền và công an giám sát.
Dịch bạch hầu xảy ra ở các khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống và do ngôn ngữ bất đồng nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Y tế đã triển khai tiêm vaccine bạch hầu cho vùng dịch và những vùng nguy cơ cao cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người 40 tuổi. Tuy nhiên, để việc tiêm chủng đạt hiệu quả cần có sự tham gia, vào cuộc của chính quyền địa phương để vận động, giám sát tiêm chủng.
Tính đến thời điểm này, tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông và Đăk Lăk ghi nhận gần 80 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Hôm nay (14/7), tỉnh Đăk Lăk ghi nhận thêm 3 ca mới, nâng số ca mắc lên 6 ca.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!