Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư... thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu, lên phương án tổng thể về Con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Đề án báo cáo UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy trước ngày 25/7/2020.
Đối với các đoạn cũ đã thực hiện của Con đường gốm sứ Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch duy tu và tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ.
Trước đó, hồi tháng 6/2020, dư luận xôn xao việc Hà Nội phá bỏ một phần con đường gốm sứ đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến Ngã ba Xuân Diệu. Theo lý giải của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, việc triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông, trong đó có việc phá bỏ một phần con đường gốm sứ.
Được khánh thánh vào năm 2010 , con đường đã gắn bó với người dân thủ đô 1 thập kỷ
Dự án nhằm đầu tư đồng bộ tuyến đường Nghi Tàm và đường Âu Cơ đoạn từ nút giao đường Thanh Niên đến nút giao cầu Nhật Tân nhằm kịp thời xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông, tạo hướng kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm thành phố với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân tới sân bay Nội Bài.
Ban Quản lý dự án cho biết, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 đoạn từ nút giao Yên Phụ đến nút giao Khách sạn Thắng Lợi, hiện Thành phố tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng đê giai đoạn 2 từ Khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với mục tiêu hoàn chỉnh một trục giao thông quan trọng kết nối sân bay Nội Bài về Trung tâm chính trị Ba Đình, trung tâm thành phố, kết nối giao thông phía hữu sông Hồng, giữa cầu Nhật Tân, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì để phục vụ nhu cầu giao thông đi lại.
Để triển khai theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, phải thực hiện phá dỡ một đoạn tường gốm sứ, chiều dài khoảng gần 300 mét từ nút Khách sạn Thắng Lợi đến ngã ba Xuân Diệu để phục vụ cho việc mở rộng đường đê hiện tại. Vấn đề này, Ban Quản lý dự án đã họp và lấy ý kiến của các Sở ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng, trong quá trìn thẩm định, phê duyệt phương án. Mặc dù nghiên cứu nhiều phương án nhưng vẫn phải phá thay thế một đọan đê gốm sứ. Vấn đề này là bất khả kháng.
"Con đường gốm sứ" bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp.
Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!