Chủ đề tại Việt Nam năm nay là "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng".
Diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS trên đường phố thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Có một điều thay đổi đặc biệt về hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam so với trước đây đó là người nhiễm mới tập trung ở nhóm người trẻ. Đường lây truyền chính cũng chuyển từ đường máu sang lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Trong số hơn 10 nghìn trường hợp phát hiện mới mỗi năm có gần một nửa là người trẻ. Và nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính đang được cảnh báo là nhóm nguy cơ chính. Thêm vào đó, trong thanh thiếu niên, chưa đến 50% có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV, 40% còn thái độ phân biệt đối xử với HIV, 14% có yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy, quan trọng là huy động được thanh niên chủ động tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thanh niên Bắc Ninh biểu diễn điệu nhảy dân vũ, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Năm nay đánh dấu 10 năm Việt Nam thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho phòng chống HIV/AIDS. Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT. Nước ta đang thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, hướng tới duy trì bền vững các dịch vụ dự phòng HIV do cộng đồng cung cấp, thông qua sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tất cả hướng đến mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nhưng kết thúc dịch AIDS không phải là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS. Kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi nó không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!