Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ
Đây chương trình y tế duy nhất tại Việt Nam có riêng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về cơ chế đảm bảo tài chính.
Đề án đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS. Tỷ trọng nguồn tài chính trong nước đã tăng tới 51%. Trong đó, tỷ trọng ngân sách địa phương tăng từ 8% lên 17%.
Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình, chi trả 400 tỷ đồng/năm với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ
Tại hội nghị, Bộ Y tế đã đề nghị 12 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch hoặc đề án đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền, để đảm bảo tài chính nhằm chấm dứt AIDS vào năm 2030.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến thời điểm hiện tại ước tính số người nhiễm HIV trên toàn quốc khoảng 242.000 trường hợp, số xét nghiệm đang báo cáo hiện mắc là 220.580 trường hợp.Từ 1990 đến nay, số nhiễm HIV/AIDS tử vong lũy tích là 112.368.
Riêng trong 9 tháng đầu năm phát hiện 9.025 trường hợp, trong đó 1.378 tử vong. Số phát hiện nhiễm nhiều tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh (28%), đồng bằng sông Cửu Long (26%).
Về hình thái lây nhiễm, tỉ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Xu hướng ca phát hiện là nam giới chiếm khoảng 84%-86%. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm trở thành đường lây chính. Chiều hướng nam giới trong nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV có xu hướng giảm từ năm 2012 đến nay. Hiện nhóm này chỉ chiếm 9%. Trong khi đó, số nhiễm mới HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiều hướng tăng mạnh, hiện chiếm 47%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!