Chùa, đình cổ kêu cứu vì linh vật ngoại lai, không phù hợp văn hóa Việt Nam

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 01/04/2021 12:02 GMT+7

VTV.vn - Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều không gian văn hóa tâm linh có sự hiện hữu của những biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Chùa Cao Linh nằm trên Quốc lộ 10, thuộc xã Bắc Sơn, huyện An Dương, được xây dựng vào năm nào không rõ. Nhưng bia đá của chùa ghi niên đại trùng tu vào thời Hậu Lê, cách đây khoảng hơn 300 năm. Ngoài cổng chính là 6 con sư tử đá kiểu Trung Quốc, cao khoảng 2m tính cả bệ. Đi qua cổng chính là đôi sư tử kiểu phương Tây được làm bằng đá trắng. Trước phần tam cấp của chùa là những tượng đá được cho là phỏng theo kiến trúc Ấn Độ.

Theo Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: "Với những ngôi chùa đã được xếp hạng, tức là đã được thừa nhận về giá trị nghệ thuật của nó. Thì với những hiện vật có thể rất là đẹp, chẳng hạn như cột trụ ở Asuka ở Phật giáo Ấn Độ, nhưng không có thể tự tiện mang bày ở đình đền nào đó được. Vô hình chung nó tạo ra cảm giác như một nồi lẩu thập cẩm nếu như chúng ta không biết sắp xếp. Bởi vì vốn dĩ văn hóa Việt Nam là một văn hóa rất cởi mở, nhưng cởi mở cho những tiếp cận tinh hoa, chứ không phải cái thùng nước vo".

Chùa Dư Hàng thuộc địa bàn phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là một trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Chùa đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Tuy nhiên, điều khiến những người yêu văn hóa cảm thấy băn khoăn đó là việc xuất hiện 2 tượng đá hình con nghê khá mới được đặt ở ngay cổng chùa. Bên trong chính điện của chùa, 2 tượng đá tỳ hưu cũng gây ra nhiều tranh cãi, khi các nhà văn hóa cho rằng đây là biểu tượng linh vật ngoại lai.

Chùa, đình cổ kêu cứu vì linh vật ngoại lai, không phù hợp văn hóa Việt Nam - Ảnh 1.

Chùa Vẽ ở quận Hải An cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Và điều khiến cho bất cứ du khách nào khi tới đây cũng ấn tượng đó là 2 pho tượng sư tử đá trắng phau, vẻ mặt hung dữ dàn hàng ngang ngay cổng chùa.

Theo Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: "Thông thường mà nói màu sắc trong các đình chùa người Việt nó có một cái gốc gác của tự nhiên, chứ không phải vật phẩm công nghiệp. Thì đấy cũng là một cái xung đột về mặt hiệu quả thị giác. Và bản chất là nó làm cho cái kiến trúc di tích đấy nó bị trẻ hóa. Quá trình trẻ hóa các di tích lịch sử tôi cho là không cần thiết".

Việc đưa các linh vật ngoại lai, những biểu tượng văn hóa không phù hợp ra khỏi các di tích là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Bởi nó không chỉ giúp giữ được sự nguyên trạng của di tích lịch sử văn hóa mà còn tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân về việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.

Với thiện tâm, mong muốn không gian di tích được đẹp hơn, hiện nay, nhiều di tích văn hóa trên cả nước luôn rộng cửa, đón nhận đồ cung tiến của bà con nhân dân và thập khách xa gần. Tuy nhiên, nhận cái gì, bày biện trong không gian nào của di tích - là một bài toán không hề đơn giản. Bởi đã không ít lần, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia phải kêu cứu, bởi sự xâm hại vô thức đến từ người dân và chính những cán bộ quản lý di tích đó.

"Lời kêu cứu của đình cổ Cống Xuyên"

Đình Cống Xuyên thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, TP Hà Nội - được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, vào năm 1993. Mới đây, trên fanpage của nhóm Đình Làng Việt - đã chia sẻ lại những hình ảnh khiến cho những người yêu văn hóa bày tỏ sự tiếc nuối, khi lại có thêm một di tích nữa bị xâm hại.

Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình cổ Cống Xuyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 328 về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cống Xuyên. Việc trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi này cho đến nay vẫn chưa diễn ra. Thế nhưng ngay đầu năm 2021, cổng đình đã xuất hiện những pho tượng mới do người dân cung tiến.

Ông Hoàng Xuân Hữu - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết: "Việc này chúng tôi giao cho cán bộ văn hóa phối hợp với thôn. Đây là một cái đình được xếp hạng theo cấp bộ, nên quy trình làm cũng đòi hỏi theo đúng trình tự của Luật di sản văn hóa, làm hết sức là đúng luật".

Và khái niệm đúng luật ở đây đã được ông Lê - trưởng thôn Cống Xuyên lý giải như thế này. "Cái này là căn cứ vào nguồn tin của các cụ. Các cụ để lại là ngày xưa nó đã đặt rồi. Thế nên cũng thống nhất mời các cụ cao niên của làng, thống nhất đặt vị trí các con này làm sao cho hợp tình hợp lý. Báo cáo qua văn hóa thì cũng chỉ báo cáo qua văn hóa thôi, không có văn bản gì đâu. Còn đâu mà để cho, nó là di tích rồi mà khi đã mai một rồi, mà đặt phải báo cáo và chờ sự nhất trí thì cũng rất là lâu", ông Lê nói.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên, việc cúng tiến các đồ vật đưa vào di tích của bà con nhân dân diễn ra. Và khi được hỏi có biết việc đặt các pho tượng vào di tích đã được xếp hàng là vi phạm vào luật di sản hay không, vị trưởng thôn này cũng khẳng định: "Các chú làm sao mà biết được cái đó. Miễn là các chú không đưa vào trong đình thôi, các chú chỉ để ở bên ngoài".

Đình thì đã xuống cấp, việc xâm phạm thì vẫn diễn ra và lời kêu cứu của đình Cống Xuyên có thể cũng sẽ vô vọng, bởi sự lơ là trong công tác quản lý và sự thiếu hiểu biết trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, đặc biệt là những Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc Gia của một bộ phận không nhỏ các cán bộ đại phương sở tại.

Công tác triển khai, quản lý, nhằm mục đích "Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam" - cho đến nay, vẫn cần sự linh hoạt và chủ động của từng địa phương. Quan trọng là tạo được sự đồng thuận, sự thống nhất - trong nhận thức về nét đẹp của linh vật Việt, về cái đúng, cái chưa đúng của linh vật ngoại lai. Và từ đó, các bộ, ngành, các cơ quan, công sở - cũng cần vào cuộc, chứ không chỉ là ở các cán bộ quản lý di tích.

Vai trò của các cơ quan chức năng

Mặc dù rất tích cực trong việc triển khai theo Công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay từ khi nhận được. Tuy nhiên cho đến nay, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hải Phòng cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân bất cập khi chưa giải quyết được hết tình trạng này.

Ông Trịnh Văn Tú - Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP. Hải Phòng - cho biết: "Giải quyết cái này tôi cho nó là cả một quá trình. Tại thời điểm mà có chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL thì những linh vật này đã được cung tiến, đã được cung tiến vào trong một số cơ sở thờ tự, một số cơ sở tôn giáo tín ngưỡng rồi. Thì người ta đã quen với cái đó rồi, người ta cảm giác cái đó nó rất là linh thiêng đối với họ. Tình trạng tiếp nhận đâu đó còn tình trạng bừa bãi".

Nhìn nhận về tầm quan trọng của vấn đề này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã triển khai công tác tuyên truyền tích cực và sâu rộng trong hệ thống các chùa của Phật giáo.

Để thắt chặt hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố thì vào tháng 08.2020, UBND thành phố Hải Phòng cũng ra quyết định số 21, trong đó đáng chú ý là điều 7: Tổ chức, cá nhân không tự ý di dời, tu bổ, làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng di vật, cổ vật, hiện vật là yếu tố gốc cấu thành di tích hoặc tiếp nhận, đưa them hiện vật vào di tích và khuôn viên di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa.

"Chúng tôi đưa ra được quyết định này, đưa tới tận tay các cán bộ quản lý di tích, đến cán bộ văn hóa cấp xã phường, đến các quận huyện để người ta thấy rằng, à cái việc này là sai, việc này không nên làm. Tránh cái tình trạng trước đây người ta không biết đấy là sai" - ông Trịnh Văn Tú - Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP. Hải Phòng - cho biết.

Địa phương này cũng đã tính đến việc thắt chặt khâu quản lý từ đầu cung, vận động các làng nghề chế tác tượng, đồ đá không còn sản xuất các linh vật, biểu tượng ngoại lai nữa, mà dần chuyển qua các biểu tượng thuần Việt. Qua đó cho thấy vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ các di tích.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước