Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê để người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp. (Ảnh: Báo Gia Lai)
Nhiều nông, lâm trường và công ty lâm nghiệp tại Tây Nguyên đã và đang trong quá trình giải thể, bàn giao đất cho địa phương. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền các tỉnh Tây Nguyên phải thực hiện là thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm để trồng lại rừng theo Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện có hơn 282.000ha đất lâm nghiệp đang bị tranh chấp tại 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó, 70% đã giao quyền sử dụng cho các đơn vị quản lý. Thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh đã triển khai kế hoạch thu hồi để trồng lại rừng nhưng kết quả không đáng kể. Tại tỉnh Đăk Lăk, có 60.000ha phải thu hồi, đến nay, các huyện mới chỉ triển khai cầm chừng và đã thu hồi được vài chục ha. Tình hình thu hồi đất rừng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông cũng trong tình trạng tương tự.
Việc thu hồi diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đang gặp nhiều khó khăn do diện tích quá lớn, người dân đã canh tác lâu năm, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!