Chuyện những người con Nghệ An đêm ngày bám núi giữ rừng

PV-Thứ tư, ngày 09/06/2021 18:00 GMT+7

VTV.vn - 16 thành viên của Đội Chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát có chung một chí hướng là bảo vệ an toàn cho muôn loài động vật hoang dã.

Vườn Quốc Gia (VQG) Pù Mát được thành lập năm 2001 là một trong những VQG đặc dụng nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Đây chính là nơi lần đầu tiên phát hiện loài Sao La từng gây chấn động cả Thế Giới vào năm 1992. Rừng Pù Mát trải dài trên 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An. 

Cái tên Pù Mát bắt nguồn từ tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực với độ cao hơn 1.800m. VQG Pù Mát có độ đa dạng sinh học cao: Khoảng 2.500 loài thực vật và gần 1.000 loài động vật khác nhau. Ở đây còn có những cánh rừng nguyên sinh với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ như rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều... 

Rừng Pù Mát cũng là nơi có đội anti-poaching hay còn gọi là Đội Chuyên trách bảo vệ rừng đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 2018. Mô hình hoạt động này dựa cơ sở đồng quản lý giữa Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) phối kết hợp cùng VQG Pù Mát xây dựng. 

Chuyện những người con Nghệ An đêm ngày bám núi giữ rừng - Ảnh 1.

Đội Chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát được thành lập vào năm 2018

Những người bám núi, giữ rừng quê hương

Dù mới thành lập vào năm 2018 nhưng đến nay Đội Chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát đã có 16 thành viên. Tất cả đều là những người con sinh ra và lớn lên của mảnh đất xứ Nghệ. Các thành viên trong Đội, dù với nhiều người có độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau và cơ duyên với nghề khác nhau nhưng tất cả đều chung một mục tiêu, một chí hướng là bảo vệ cho muôn loài động vật hoang dã ở rừng Pù Mát được an toàn. 

Công việc chính của Đội Anti-poaching là tuần rừng, bảo vệ rừng. Hàng tháng mỗi thành viên sẽ được chia thành 4 nhóm khác nhau, đi rừng khoảng 2 lần và mỗi lần kéo dài từ 7 - 10 ngày. Các chuyến đi rừng đều là các chuyến bộ hành kéo dài nhiều ngày, trong điều kiện sinh hoạt và di chuyển hết sức khó khăn. 

Mỗi chuyến đi từng thành viên phải mang theo khoảng 15 - 20kg hành lý bao gồm đồ dùng chuyên môn, thực phẩm và vật tư cá nhân. Dù chặng đường đi tuần là những con dốc, đèo, những ngọn núi cao, những con suối sâu đến ngang bụng hay ngập đến cổ nhưng với các thành viên, đó đều là những trải nghiệm quý giá. 

Với họ, đơn giản chỉ là “sống hòa với thiên nhiên, tận hưởng cảm giác lọt thỏm giữa rừng, ăn những bữa cơm rừng thanh tao, cắm lều trại ngủ đêm, thở cùng rừng, săn mây trên những đỉnh núi, len lỏi qua những dòng suối trong vắt, thác nước nguyên sơ của rừng, cảm giác mạnh khi treo mình trên những vách đá cheo leo…” (Trích trong Nhật kí đi rừng của Đội).

Chuyện những người con Nghệ An đêm ngày bám núi giữ rừng - Ảnh 2.

Anh Lương Văn Nam và cây Samu dầu di sản của đại ngàn Pù Mát

Những con số biết nói

Truyền thông hay những người làm bảo tồn vẫn thường gọi vui về Đội chuyên trách bảo vệ rừng này là những “thần rừng”, vì những đóng góp rất lớn của họ trong công tác bảo tồn. Từ tháng 6/2018 đến cuối năm 2020 thì Đội đã tháo gỡ được 9.701 bẫy thú; tịch thu 78 khẩu súng; thiêu huỷ và tháo dỡ 775 lán trại trái phép và kết hợp với lực lượng kiểm lâm, cơ quan công an bắt giữ 558 người. 

Với những con số trên đã góp phần giảm đến 80% các hoạt động săn bắt trái phép của rừng Pù Mát từ năm 2018 đến nay (báo cáo được cung cấp bởi Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam).

Mong ước về một tương lai tốt đẹp cho Động vật hoang dã

Thật kì lạ khi được hỏi về công việc của mình, các thành viên của Đội Chuyên trách bảo vệ rừng này rất ít người ca thán về những cực nhọc, nguy hiểm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. 

Các thành viên đều kể những câu chuyện vui, những bữa cơm rừng tự nấu mà hầu hết là mì gói, những kỉ niệm đáng nhớ như lần bị côn trùng chui vào tai, hay lần sinh nhật đặc biệt giữa rừng xanh bên đồng đội với chiếc bánh sinh nhật là một khúc chặt ra từ thân cây chuối rừng… Sau cùng thì ở họ có một tinh thần chung, đó là tình yêu vô điều kiện dành cho thiên nhiên núi rừng, là quyết tâm vì một tương lai an toàn hơn cho các loài động vật hoang dã. 

Chuyện những người con Nghệ An đêm ngày bám núi giữ rừng - Ảnh 3.

Chiếc bánh sinh nhật từ thân cây cuối rừng đáng nhớ

Thay cho lời kết là chia sẻ của anh Lộc Văn Tạo, thành viên trong Đội Chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát: “Có rất nhiều người hỏi chúng tôi sao lại lựa chọn nghề này? gia đình chúng tôi cũng rất lo lắng khi chứng kiến những hình ảnh về cuộc sống khó khăn của con mình trong rừng. Với chúng tôi khi đã lựa chọn con đường này đơn giản chỉ là biến tình yêu thành hành động. Chúng tôi không ngại khó ngại khổ, không cần được tôn vinh, khen thưởng, chúng tôi chỉ cần rừng vẫn còn, động vật vẫn còn và ngày một phát triển thì đó là phần thưởng lớn nhất rồi. Tôi ước mong đến một ngày khi con của tôi vào rừng, được ngắm nhìn những động vật xinh đẹp đang nhảy múa trong rừng là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi". 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước