Sáng 24/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường.
1 từ "tự chủ" trong 121 điều của dự thảo Luật
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong luật.
Đại biểu Thu cho biết, hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ song dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ. Do đó, nữ đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng trong điều trị.
đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng tự chủ cũng giống như dòng sông được khơi thông thì con thuyền (các bệnh viện công) mới được an toàn và thuận lợi
Cùng quan điểm với bà Thu, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết trong 121 điều của dự thảo Luật chỉ có duy nhất 1 từ "tự chủ" được nêu ở điều 106 đó là "chi của ngân sách cho tự chủ". Đại biểu An cho rằng cần có một nội dung, một chương hoặc một mục liên quan đến cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế.
"Tôi cho rằng tự chủ cũng giống như dòng sông được khơi thông thì con thuyền (các bệnh viện công) mới được an toàn và thuận lợi. Song nếu không cẩn thận thì con thuyền đấy rất dễ bị đắm. Thực tế cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa qua (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K) thì gần như con thuyền bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến trốn", ông An nhấn mạnh.
Thất bại của cơ chế quản lý?
Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn – nơi biết bao các y bác sĩ mong muốn được làm việc.
"Nhiều người thấy ngỡ ngàng khi nghe tin bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K là những bệnh viện lớn có đầy đủ những điều kiện, thế mạnh thực hiện tự chủ thì lại xin thôi cơ chế tự chủ mà lại quay về cơ chế hưởng bao cấp. Trong khi, rất nhiều các cơ sở y tế hiện nay mong chờ việc tự chủ", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Theo ông Cường, rất nhiều người đã có chung một nhận định rằng việc cán bộ y tế xin nghỉ việc tại bệnh viện công, việc các bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.
Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.
"Trong điều kiện làm việc như thế, nếu họ được hưởng mức thù lao thỏa đáng xứng đáng với công sức và đóng góp của họ thì họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực vào công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải "chân trong chân ngoài" lo tất bật với phòng khám tư", đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình
Theo đại biểu Cường, đông đảo bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng, vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế.
Ông Cường cho rằng tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.
Từ những phân tích trên, đại biểu Cường hy vọng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.
Cần cơ chế tính đúng tính đủ
Góp ý về vấn đề tự chủ của bệnh viện công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quy định về tự chủ của bệnh viện công tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.
Do đó, cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám chữa bệnh, tự quyết định trong việc tổ chức bộ máy và con người, tự chủ và quyết định những vấn đề tài chính của bệnh viện kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư. Cũng cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã làm được.
Thêm nữa, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt đối với so với cơ chế chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí. Cơ chế tính đúng tính đủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ cần phải dựa vào yếu tố kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do Bộ Y tế ban hành. Nhưng với bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ y tế trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự xây dựng và công khai tất cả các mặt hàng để người lao động trong bệnh viện cùng tham gia giám sát.
Ngoài ra, định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh của từng bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong việc tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ. Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau dành cho đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về việc lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh cần tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo
Bên cạnh đó, cần định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với việc tự chủ để tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi trả tiền lương, cũng như tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.
"Để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo, cần quy định rõ trong Luật về nguồn ngân sách Nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ, phải dành để chi trả khám chữa bệnh cho các bệnh nhân thuộc đối tượng mà xã hội cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng, và ngân sách Nhà nước phải đầu tư cho các mục tiêu phát triển", đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Cường cũng nhấn mạnh cần quy định cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư, mua sắm, đi thuê hoặc liên doanh liên kết các máy móc trang thiết bị.
Cùng với đó cần quy định trong cơ chế giám sát hoạt động của các bệnh viện tự chủ như: cơ cấu tổ chức, vai trò chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện, giám đốc bệnh viện, cơ chế tuyển dụng; cơ chế quản lý; cơ chế giám sát…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!