Con đường thoát nghèo của những thanh niên vùng khó

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 18/10/2022 20:03 GMT+7

VTV.vn - Việc đưa lao động tại các huyện 30A đi làm việc ở nước ngoài đã chứng minh được hiệu quả hướng đi này với công tác giảm nghèo tại 74 huyện khó khăn nhất của cả nước.

Triệu Phụ Thanh là một trong những người đầu tiên ở xã nghèo La Pan Tẩn dũng cảm đi Hàn Quốc, nhanh nhẹn, thạo tiếng, trước lúc trở về Thanh từng quản lý 1 trại nuôi lợn 7.000 con và thu nhập tới gần 70 triệu/tháng.

Nếu giờ này còn trông vào 4 sào lúa và 4 ha thông chia lúc lấy vợ thì cả nhà Triệu Phụ Thanh vẫn là hộ nghèo.

Đó là hoàn cảnh chung của hầu hết thanh niên ở La Pan Tẩn, xã có gần 90% là hộ nghèo của huyện biên giới Mường Khương, Lào Cai.

Vốn liếng tích lũy từ chuyến đi Hàn được Thanh đầu tư trồng 6 ha quế ở quê nhà. Chỉ 3 năm nữa, vườn quế 7 năm tuổi sẽ tăng giá trị hơn 3 tỷ đồng.

Hơn 30 tuổi, Phạm Đô Lương (huyện Mường Khương, Lào Cai) mới quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Gần 5 năm trở về Lương thỏa ước mơ xây nhà lấy vợ. Dư vốn còn lại, anh dự định mua xe tải chạy hàng quanh tỉnh.

Từng khó xin việc khi vừa học xong cao đẳng, anh Bùi Văn Hải (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đăng ký làm việc ở nước ngoài theo chương trình 30A.

Xuất cảnh 3 năm, từ 1 tu nghiệp sinh, anh Hải nỗ lực thi đỗ chứng chỉ kỹ sư tại Nhật Bản với thu nhập cao gấp 2 lần.

Trở về, anh được mời làm cho một doanh nghiệp tư vấn du học và đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản.

Từ các huyện nghèo, lao động ra đi trong sự nghi ngờ của làng bản nhưng sự thực đã chứng minh hiệu quả khi họ trở về.

Đi để thoát nghèo, dẫu có vất vả, mệt mỏi nhưng thu nhập và kinh nghiệm sẽ giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống nơi quê nhà.

Thách thức đưa lao động nghèo xuất cảnh

Ra nuớc ngoài thì lương lậu thế nào? Câu hỏi của rất nhiều gia đình có ý định cho con em mình sang nước ngoài làm việc.

Chỉ đơn giản làm một so sánh là: tiền công 1 giờ lao động làm xây dựng tại Hàn Quốc là 200 nghìn đồng, tương đương 1 ngày công tại Lào Cai.

Việc đưa lao động tại các huyện 30A đi làm việc ở nước ngoài đã chứng minh được hiệu quả hướng đi này với công tác giảm nghèo tại 74 huyện khó khăn nhất của cả nước. Nhưng 6 năm qua, mới có 7.000 lao động nghèo được hỗ trợ xuất cảnh và mang về khoảng 2.000 tỷ đồng cho các huyện khó khăn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là phần lớn lao động thiếu thông tin, ngại đi xa và tại nhiều xã khó khăn chưa đưa được một lao động xuất cảnh dù đây là một chương trình hỗ trợ toàn bộ tiền từ đào tạo định hướng, ăn-ở cho lao động trước khi xuất cảnh.

Đưa người nghèo đi làm việc tại nước ngoài là một phương thức không chỉ để giảm nghèo mà còn là giúp lao động thêm kiến thức, kỹ năng để thay đổi tập quán canh tác cũ. Nhiều gia đình thoát nghèo bền vững và cơ cấu kinh tế của các địa phương cũng thay đổi tích cực với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề dịch vụ thay vì chỉ làm nông nghiệp đơn thuần.

Nghèo khi ra đi, giàu kỹ năng khi trở về

5 năm trở về từ Hàn Quốc, Vũ Văn Gió trở về thành gia-lập nghiệp. Anh mua hẳn một vạt núi rồi cải tạo để trồng dâu và xà lách, cà chua theo vụ.

Kỹ năng mà Gió học được được ứng dụng triệt để trên sườn núi cao được cải tạo bậc thang.

Không trồng dâu trong nhà kính mà trồng khe núi, tận dụng nắng, gió và độ ẩm để trồng ra quả dâu đẹp và chất lượng hơn.

Ngay cả chủ trang trại người Hàn Quốc - nơi Gió từng làm việc khi thăm trang trại của Gió ở Bắc Hà cũng bất ngờ với cách thức gieo trồng kết hợp cả công nghệ và truyền thống.

Với nhiều lao động từ các huyện khó khăn, vượt qua những ngần ngại ban đầu khi xa nhà, khi lựa chọn theo chương trình này không chỉ vì được hỗ trợ miễn phí đào tạo mà quan trọng hơn là cơ hội được rèn luyện trong môi trường lao động kỷ luật cao, học được nhiều kỹ năng để họ có thể khởi nghiệp khi trở về.

Anh Lê Văn Đông (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) cũng không nghĩ có một ngày, từ một người nông dân, anh trở thành một chủ cửa hàng điện máy.

5 năm xuất cảnh, trở về sau vài tháng quan sát, anh mở luôn một cửa hàng bán đồ điện máy với phương thức bán đồ rẻ hơn thị trấn và quan trọng là anh sửa chữa, bảo hành sản phẩm cho người dân các xã xung quanh mua hàng.

Vượt qua trở ngại tâm lý, lo lắng xa nhà, sống trong môi trường khác biệt, nghèo khi ra đi và giàu kỹ năng khi trở về, sự dũng cảm rời làng quê của các lao động đã đem lại cho chính họ nhiều hơn thế.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước