Hôm nay là ngày đi làm đầu năm mới của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên khắp cả nước. Sau kỳ nghỉ lễ dài, sáng nay, việc dậy sớm quay trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày cũng không dễ dàng, chưa kể các gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc đi học, đi làm ngày đầu năm mới, gặp lại bạn bè, đồng nghiệp với những lời chúc, câu chuyện để cùng hứng khởi lên dây cót cho một năm mới ai cũng đều hào hứng. Khí thế hăng say lao động, tinh thần phấn chấn là điều thấy rõ trong ngày trở lại làm việc sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngay trong sáng nay, ghi nhận tại các cơ quan, công sở của thành phố Hà Nội, các cán bộ, công chức thuộc bộ phận hành chính công đã khẩn trương, nghiêm túc xử lý công việc. Do đó, người dân, doanh nghiệp cũng có khởi đầu thuận lợi, suôn sẻ đầu năm khi đến giải quyết thủ tục hành chính.
Tại bộ phận một cửa của UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội, trong ngày đầu tiên đi làm, các cán bộ, nhân viên của bộ phận này đã có mặt từ 8h sáng để hỗ trợ người dân xử lý các thủ tục giấy tờ còn đang tồn đọng từ trong Tết, đến hôm nay mới có thể xử lý.
Tại UBND phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, không khí tất bật ngay từ đầu giờ của ngày làm việc đầu tiên, các cán bộ thực hiện đúng vị trí, làm việc nhanh chóng, khẩn trương, nghiêm túc. (Ảnh: Báo Tin tức)
"Đầu xuân năm mới, cô cũng đến một cửa để công chứng giấy tờ quyền sử dụng đất. Các cháu ở bộ phận một cửa tiếp đón niềm nở, thủ tục giải quyết nhanh. Vui phấn khởi nữa là các cháu lại có những phong bao lì xì đầu xuân lấy may cho người dân", bà Nguyễn Thị Liên, quận Hà Đông, TP Hà Nội, chia sẻ.
"Với tinh thần vui Xuân mới, nhưng không quên nhiệm vụ, trong ngày làm việc đầu tiên, chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều các công dân tới giải quyết thủ tục hành chính. Các cán bộ đều có mặt đầy đủ, bắt tay ngay vào giải quyết công việc với tâm thế sẵn sàng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi tới giải quyết các thủ tục hành chính. Tất cả các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn nhất", bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội, cho biết.
Nhanh chóng bắt nhịp học tập với nhiều mục tiêu trong năm 2024
Hôm nay, học sinh cũng quay trở lại trường sau một kỳ nghỉ khá dài. Để các em sớm bắt nhịp học tập, các trường cũng sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm, giúp học sinh có tinh thần thoải mái nhất.
Đặc biệt, với học sinh khối 9 và khối 12, trong năm nay có nhiều kỳ thi quan trọng, thầy cô giáo đã có những kế hoạch, mục tiêu giảng dạy trong kỳ 2 này.
Vươn vai, uể oải, hình ảnh của không ít học sinh, đặc biệt là các bạn nhỏ khối mầm non, tiểu học, khi trở lại trường ngày hôm nay. Tuy nhiên, các em cũng nhanh chóng hòa nhập với không khí học đường với chương trình gặp mặt đầu xuân.
Hái lộc, khai bút đầu xuân cùng rất nhiều hoạt động ngay ngày đi học đầu năm, nhà trường kỳ vọng, học sinh sẽ có mục tiêu trong học tập và rèn luyện với tinh thần thoải mái.
Còn với các bạn học sinh khối 9, sau thời gian trò chuyện đầu giờ sáng, hào hứng chia sẻ về nguyện vọng thi vào 10 cùng những lời chúc và phong bao lì xì từ cô giáo, cả lớp bắt đầu tiết học môn Ngữ Văn, chuẩn bị cho lịch kiểm tra khảo sát sắp tới.
"Các con đã xác định được việc học và ôn tập. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ về kiến thức, trang bị kỹ năng để các con nhận diện và học thật tốt môn học của mình", cô giáo Bùi Thị Anh Thùy, Bộ môn Ngữ Văn, Trường THCS Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay.
Đặc biệt, với sự thay đổi phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học, năm nay, học sinh lớp 12 phải chủ động hơn trong việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu xét tuyển đại học cũng cần xác định rõ.
Trong sáng nay, nhiều trường tại Hà Nội cho biết số học sinh đi học đều chiếm tỷ lệ gần 100%. Trở lại trường ngày đầu năm mới, việc dạy và học cũng được các trường "khởi động" bằng việc ôn lại những kiến thức đã học để sẵn sàng, tự tin bước vào năm mới.
Hồ hởi sản xuất ngày đầu năm mới
Có thể thấy, ngày đi làm, đi học đầu năm đem lại nhiều hứng khởi với những mục tiêu rõ ràng cho năm nay. Các doanh nghiệp sản xuất cũng không ngoại lệ, khi năm 2023 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế nước nhà. Trước làn sóng cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp đều nỗ lực, chủ động đưa ra nhiều giải pháp hạn chế cắt giảm ồ ạt.
Bước sang năm 2024, dù được dự đoán là vẫn còn khó khăn, các chuyên gia kinh tế vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào cơ hội phát triển của nền kinh tế trong năm nay. Theo ghi nhận của phóng viên VTV ngay trong sáng nay, ngày đi làm đầu năm mới, người lao động tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực đều hào hứng tham gia sản xuất với ước mong năm mới về việc làm và mức thu nhập năm nay.
Ghi nhận tại một xưởng may mẫu các sản phẩm từ da, để đáp ứng kịp thời kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, ngay ngày đi làm đầu năm mới, 100% công nhân đã trở lại làm việc, bắt tay sản xuất những mặt hàng mới nhất, chủ lực trong năm nay. Không khí hồ hởi sản xuất có thể cảm nhận rõ rệt tại đây, khi năm 2023, doanh nghiệp đạt 90% kế hoạch sản xuất. Dù là năm khó khăn, công việc của người lao động tại xưởng vẫn đảm bảo, với mức thu nhập, thưởng Tết duy trì như những năm trước.
Doanh nghiệp ra mắt mẫu mã mới. Những công nhân làm nhiều năm tại xưởng như chị Vân Anh (công nhân ngành da, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giovanni) cảm thấy phấn khởi khi được tham gia đào tạo, nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản phẩm mới.
"Mình muốn tích lũy được thêm nhiều tiền và nhiều kinh nghiệm. Nhiều kinh nghiệm cho mình và đi làm thật nhiều mẫu mã mới để mình có việc mình làm", chị Quản Thị Vân Anh, công nhân ngành da, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giovanni, chia sẻ.
Kỳ vọng một năm khởi sắc hơn cũng là ước mong của người lao động tại một cảng cá tỉnh Nam Định. Do sản lượng năm 2023 sụt giảm, doanh nghiệp đã lên phương án mở rộng cảng trong năm nay, đồng thời gia tăng sản lượng sản phẩm chế biến. Những chuyến biển đầu năm với mẻ cá lớn cũng đem thêm nhiều hy vọng.
"Con cá về đầu năm nay rất tươi, đây cũng là khởi sắc để những chuyến biển trong cả năm nay tốt đẹp", anh Nguyễn Văn Nam, Nhân viên Công ty hải sản Thành Vui, cho hay.
Mạnh dạn phát triển sản phẩm mới, mở rộng quy mô, với sự thay đổi linh hoạt từ sản xuất đến kinh doanh, các doanh nghiệp quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công nhân thể hiện sự nỗ lực ngay từ đầu năm để đảm bảo quyền lợi, thu nhập của người lao động trong năm 2024.
Nhịp sản xuất sôi động mang đến những kỳ vọng về một năm kinh tế tiếp tục phát triển. Với người lao động, mong ước sự ổn định về công việc cũng phần nào rõ rệt hơn từ những lời chúc đầu năm, những kế hoạch phát triển được chia sẻ từ lãnh đạo đơn vị và nhanh chóng, họ trở lại vị trí sản xuất.
Công nhân sẵn sàng quay trở lại làm việc
Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại làm việc vào hôm nay (mùng 6 Tết). Riêng những công nhân xa quê được tạo điều kiện đi làm lại vào mùng 10 tháng Giêng.
Để đảm bảo đủ lao động sau Tết, tránh tình trạng người lao động khi trở về quê ăn Tết không trở lại làm việc ngay, thậm chí có tâm lý ở lại quê tìm kiếm việc làm, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách chăm lo, đưa đón công nhân về quê đón Tết cùng gia đình, để họ yên tâm quay trở lại làm việc ngay sau Tết. Được sự quan tâm đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều công nhân đã sẵn sàng quay trở lại làm việc.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều công nhân đã sẵn sàng quay trở lại làm việc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Sau một kỳ nghỉ Tết trọn vẹn bên gia đình, vợ chồng anh Ngọc, chị Hằng là công nhân may tại Bình Dương lại chuẩn bị chia tay người thân để trở lại nơi làm việc. Tết năm nay, dù kinh tế khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ Chuyến xe 0 đồng của Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh tại phía Nam, anh chị đã đã về được quê ăn Tết với 2 con và bố mẹ.
Sau Tết, không ít doanh nghiệp băn khoăn về tình trạng thiếu hụt lao động, một số công nhân ở lại quê trở lại làm việc muộn hơn so với kế hoạch. Đưa đón, những chuyến xe 0 đồng, tặng vé tàu xe là một trong những giải pháp không ít doanh nghiệp thực hiện trước và sau Tết để hỗ trợ và chăm lo người lao động ổn định sản xuất.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố trong quý I/2024 cần hơn 86.000 lao động ở các lĩnh vực như dệt may - da giày, chế biến thực phẩm, nhựa - cao su…
Mở hàng đầu năm mới ở khu chợ truyền thống
Tâm lý hào hứng cùng kỳ vọng một năm mới có mức thu nhập tốt là điều dễ thấy ở nhiều ngành nghề. Những tiểu thương đang buôn bán tại các chợ truyền thống cũng như vậy. Các tiểu thương sẽ có những thay đổi để không còn cảnh đìu hiu, vắng bóng khách lẻ như năm ngoái.
Dạo qua những khu chợ truyền thống đầu năm nay, có thể thấy, những người đang kinh doanh tại đây cũng đang thay đổi dần tư duy, loại bỏ những quán tính, phong cách buôn bán kiểu cũ để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Ngày đầu tiên mở hàng không chỉ dừng lại ở việc lấy may, mà còn là ngày bắt tay vào những giải pháp mới.
Mùng 4 Tết âm lịch được cho là ngày tốt để mở hàng. Đa số các tiểu thương lựa chọn ngày này để bắt đầu công việc, lấy vía mong buôn đắt, bán may, không còn cảnh đìu hiu như năm ngoái.
"Năm ngoái chắc là kinh tế ai cũng khó khăn, nên là ế nhiều, cả chợ ế. Còn sang đến năm nay, đầu năm vẫn chậm hơn mọi năm", chị Lê Thị Lý, tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá, chia sẻ.
Hàng hóa bán chậm, dẫu cho đầu năm là dịp cao điểm tiêu thụ hoa khi Tết và Valentine diễn ra trùng nhau. Để tránh cảnh tồn đọng và luân phiên chuẩn bị cho các dịp lễ, trong 7 ngày nghỉ Tết, thời gian chị Mơ (tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá) thật sự nghỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Em nghỉ có hôm mùng 1. Các dòng hoa sáp, hoa nhũ sẽ chuẩn bị trước. Còn dòng hoa tươi sẽ chuẩn bị sau thì đảm bảo độ tươi độ bền cho hoa hơn, bán trên mạng thì em ít", chị Trần Thị Mơ, tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá, cho hay.
Trước nay đã quen cảnh ngồi yên khách hàng sẽ tới, dẫn đến việc chợ truyền thống những năm trở lại đây giảm sức hút với người mua, nhưng nay để hợp thời, ngày bắt đầu làm việc cũng là ngày nhiều người bắt đầu thực hiện phương pháp mới.
Chuẩn bị ít nhất 2 mã QR code, từng ngày cập nhật hình ảnh hàng hóa lên mạng xã hội và phối hợp người thân để đi giao hàng. Chị Hằng (tiểu thương tại chợ Thành Công) đang thay đổi phong cách buôn bán sau 30 năm tồn tại ở khu chợ này.
"Khách lạ, khách quen thì mình cứ lấy số điện thoại của khách xong mình up vào Zalo, mình đăng lên, khách người ta gọi điện thì mình mang đến", chị Phạm Thị Thu Hằng, tiểu thương tại chợ Thành Công, cho biết.
Thay đổi tư duy, loại bỏ những quán tính để thực hiện mô hình hoạt động kiểu mới năng động hơn, những việc làm ít nhiều sẽ giúp chợ truyền thống đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!