CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn không gây cản trở giao thông

H.M-Thứ năm, ngày 26/09/2024 17:47 GMT+7

Trong 9 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được kéo giảm sâu ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

VTV.vn - Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết việc CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến đường là hoạt động nghiệp vụ, không gây cản trở giao thông người dân.

Chia sẻ về vấn đề Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra nồng độ cồn tại một số tuyến đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định hoạt động nghiệp vụ của lực lượng tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề Cảnh sát giao thông (CSGT) "chốt chặn" ở một số tuyến đường để kiểm tra nồng độ cồn, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, chốt kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến đường "huyết mạch" nối các quận trung tâm thành phố như: Quận 1, Quận 3, Quận 5 và đi các quận/huyện như: Quận 7, Quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Vì vậy lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tương đối cao; người tham gia giao thông đa dạng; việc vi phạm liên quan nồng độ cồn cũng diễn biến phức tạp. Thực tế qua công tác kiểm tra xử lý, nhận thấy hầu hết tình trạng người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia tại các quán ăn, quán nhậu thuộc khu vực trung tâm thành phố, sau đó di chuyển qua tuyến đường này để về nhà ở các quận/huyện khác thuộc ngoại ô thành phố.

Do có sự chủ động đề ra các kế hoạch, phương án cụ thể nhằm tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông - trật tự xã hội nên đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông - trật tự xã hội trên địa bàn thành phố. Việc lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai thực hiện quyết liệt chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, "không có ngoại lệ", "không có vùng cấm", quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe" trong nhân dân, ý thức của người dân thành phố đã được cải thiện rõ rệt qua việc thể hiện sau khi sử dụng rượu, bia tại các địa điểm, hàng quán kinh doanh ăn uống, người dân chủ động di chuyển bằng các phương tiện taxi, xe công nghệ để di chuyển về nhà. Tình hình TNGT liên quan đến nồng độ cồn được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Trước ý kiến của một số người dân cho biết có ghi nhận việc CSGT đột ngột chặn đường xe đang lưu thông để thổi nồng độ cồn là không đúng quy định, thậm chí còn cho rằng đây là cách cư xử có chiều hướng thô bạo.

CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn không gây cản trở giao thông - Ảnh 1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an, không gây cản trở giao thông.

Phản hồi thông tin về vấn đề này trong buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh chiều 26/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, việc kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố tại các tuyến đường không gây ra ùn tắc giao thông.

Theo đó, Lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng phương pháp đo nồng độ cồn 2 lần; cụ thể như sau:

- Lần 1: Lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở). Khi dừng, kiểm tra phương tiện, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu người điều khiển phương tiện thổi một hơi thở định tính (hành động diễn ra trong thời gian từ 3 - 5 giây). Trường hợp không vi phạm, người điều khiển phương tiện tiếp tục tham gia giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tiến hành đo định lượng lần 2.

- Lần 2: Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, Cảnh sát giao thông dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm; sau đó tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.

"Việc dừng phương tiện để kiểm soát, kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc kiểm soát nồng độ cồn là chuyên đề thường niên của lực lượng Cảnh sát giao thông. Việc kiểm soát triệt để nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông không chỉ xuất phát từ việc kéo giảm TNGT, mà còn để phòng ngừa các loại tội phạm có thể xảy ra sau khi sử dụng rượu bia như: tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, giết người..." - Thượng tá Hà cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, công an thành phố luôn quán triệt tinh thần bảo đảm tác phong của lực lượng khi làm việc với người dân. Do đó, thông tin cho rằng CSGT "thô bạo" với người dân khi tiến hành kiểm tra là không có căn cứ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước