CSGT tuần tra trên đường để kiểm tra nồng độ cồn lưu động

Minh Đức-Thứ tư, ngày 15/02/2023 17:58 GMT+7

VTV.vn - Thời gian gần đây, thay vì chỉ lập chốt ở một địa điểm để kiểm tra nồng độ cồn, CSGT đã sử dụng mô tô đặc chủng tuần tra trên đường, kiểm tra nồng độ cồn.

Điều 12 Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp như:

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.

CSGT cũng được dừng xe thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp. Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy, theo quy định trên khi trực tiếp phát hiện được những dấu hiệu của hành vi vi phạm hoặc theo tin báo, tố giác, CSGT có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để kiểm tra. Khi CSGT khi đang thực hiện tuần tra trên đường mà trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm thì có thể yêu cầu người đi xe máy dừng xe lại để kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lập chốt.

CSGT tuần tra trên đường để kiểm tra nồng độ cồn lưu động - Ảnh 1.

CSGT có thể yêu cầu người đi xe máy dừng xe lại để kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lập chốt.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, có nhiều hình thức kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, nhưng hai phương thức được CSGT áp dụng nhiều nhất là kiểm tra qua khí thở và kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Với những trường hợp không chấp hành thổi qua ống hay những trường hợp gây TNGT thì chúng tôi áp dụng kiểm tra nồng độ cồn của người vi phạm qua xét nghiệm máu.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ, nặng có thể phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước