Theo chương trình, ngày 29/6, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Cử tri kỳ vọng các luật này sớm được thực thi có hiệu quả sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại.
Hai khu nhà đang có kế hoạch di dời đến nơi ở mới. Mặc dù người dân đồng tình hưởng ứng, nhưng mức giá đền bù là điều mọi người quan tâm nhất.
Ông Nguyễn Hùng, một cử tri tại quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Mong định giá theo giá thị trường. Giờ dân ngồi chờ Luật thôi, Luật ra là phải thực hiện, càng nhanh càng tốt".
Những thửa đất được quảng cáo nằm trong dự án Khu đô thị mới và rao bán từ năm 2017 tới nay. Một số người đã đóng cả chục tỉ đồng tiền cọc, tương đương 50% giá trị hợp đồng nhưng thực tế thì không phải vậy.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, cư dân tại Khu đô thị Vân Canh, Hà Nội, bức xúc: "Tôi thấy nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo và tôi đã gửi các đơn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng thì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời là chưa xác định chủ đầu tư và chưa chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án này".
Ông Vũ Công Vọng, một cư dân tại Hải Dương, nhận định: "Nếu Luật mới được thực hiện thì sẽ hạn chế được nhiều người không bị lừa như chúng tôi nữa, vì phải có hạ tầng, có cơ sở pháp lý đầy đủ rồi mới được phép bán".
Những tồn tại này kỳ vọng sẽ được giải quyết khi các Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Thay vì thời hiệu 1/1/2025, Chính phủ đề xuất những luật này có hiệu lực từ 1/8/2024. Những điểm mới trong các luật này được kỳ vọng sẽ giải quyết được những điểm nghẽn trong thực tế.
Hiện các cơ quan liên quan đang hoàn thiện các hướng dẫn thi hành luật. Cùng với đó, rà soát các nội dung quy định chuyển tiếp tại 4 Luật này và các quy định tại các luật khác có liên quan để có phương án xử lý phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!