Qui định về sử dụng nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương là vấn đề chưa được quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản. Điều này đã gây nhiều bức xúc cho người dân ở các địa phương trong khi môi trường và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Tỉnh lộ 532 nối 4 xã của huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được xây dựng từ những năm 1990. Từ 20 năm trở về trước, con đường này đã không được bất kỳ đơn vị nào duy tu, sửa chữa. Những chiếc xe vận tải lớn từ hơn 80 mỏ khai thác khoáng sản cày xéo suốt ngày đêm. Bà Nguyễn Thị Hoài, một hộ dân sống ngay cạnh mỏ đá, phải bịt kín các cửa, không còn một chỗ hở để tránh bụi.
Con đường bị cày xéo bởi những chiếc xe vận tải lớn từ mỏ khai thác khoáng sản.
Vết nứt rộng bằng cả bàn tay xuất hiện sau lần nổ mìn phá đá của một đơn vị khai mỏ ngay gần nhà.
Không chỉ chịu cảnh bụi bặm, lầy lội vì đường sá xuống cấp nhiều năm, nhiều hộ dân ở xã Châu Tiến giờ còn phải bỏ nhà đi ở nhờ. Theo lãnh đạo các xã Châu Tiến, Châu Hồng, từ năm 2021 trở về trước, địa phương không nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào từ hoạt động khai thác khoáng sản để tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và sửa chữa đường xá.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã Châu Hồng đã giảm từ hơn 30% xuống còn trên 20% nhưng đại bộ phận người dân ở huyện Quỳ Hợp vẫn còn nhiều khó khăn, dù ở đây có đến gần 100 mỏ khai thác khoáng sản các loại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!