Nhà ông David nằm ở ngoại ô thành phố Boston, bang Massachuset. Ai cũng bỡ ngỡ khi tới đây, bởi không gian cứ như một ngôi nhà của người Việt. Mọi góc nhà đều có kỷ niệm từ 50 chuyến thăm Việt Nam.
"Chúng giúp tôi nhớ lại Việt Nam. Tôi thích như vậy. Hơn nữa chúng cũng rất đẹp. Tại sao không?" - họa sỹ David Thomas, cựu chiến binh Mỹ nói.
Bà Jean Thomas - vợ họa sỹ David Thomas - chia sẻ: "Chúng tôi đến Việt Nam vài lần trước khi chuyển đến sống ở Hà Nội vào năm 2002. Lúc đó ông David theo học chương trình của Fulbright. Tôi nhớ cảm giác bước ra khỏi máy bay, biết mình sẽ được sống ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội ít nhất 1 năm, thật hạnh phúc. Và quả thật chúng tôi đã có 1 năm tuyệt vời ở đó với rất nhiều người bạn Việt Nam yêu quý".
Ông David cũng dành tình cảm đặc biệt với Bác Hồ. Người mà ông mãi sau này mới được tiếp cận thông tin đầy đủ. Ông dành thời gian vẽ tranh và xuất bản cả cuốn sách về cuộc đời của Người. Ông tâm niệm những thông tin ông viết sẽ giúp nhiều người Mỹ hiểu hơn về Bác.
Ông David bị phơi nhiễm chất độc da cam do chính đồng đội ông phun xuống. Nhưng với ông, những người bên kia chiến tuyến, những cựu binh Việt Nam mới phải gánh chịu hậu quả lâu dài. Và kể từ đó, những chuyến thăm Việt Nam của ông thường gắn với các gia đình cựu chiến binh, viết sách, vận động cho các nạn nhân chất độc da cam.
"Tôi muốn nói rằng những người lính Việt Nam, họ đã làm điều phải làm, đó là bảo vệ Việt Nam khỏi các cường quốc. Và giờ họ đang được tôn trọng, được đối xử rất tốt. Về phần mình, các dự án tôi làm đều cố gắng để cung cấp thông tin của các nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi cần hỗ trợ cho các nạn nhân hàng ngàn lần hơn thế" - họa sỹ David Thomas, cựu chiến binh Mỹ nói.
Và sau 3 năm COVID-19, mong muốn lớn nhất của ông David bây giờ là nhanh chóng được quay lại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!