Trong những năm qua, việc khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn TP Đà Nẵng đã góp phần phục vụ hiệu quả quá trình xây dựng chỉnh trang đô thị của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc công tác cải tạo, phục hồi môi trường đóng của mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định, gây ra nhiều hệ luỵ về môi trường. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã triển khai nghiêm túc việc giám sát, kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Tại khu vực mỏ đá Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa trồng những cây xanh hơn 1 tuần nay. Sau khi kết thúc thời gian khai thác tại mỏ đá, doanh nghiệp đang triển khai cắt tầng, bảo đảm trạng thái an toàn và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường tại đây.
Hình ảnh hoạt động khai thác tại một mỏ đá tại Đà Nẵng
Bên cạnh công tác trồng cây phủ xanh đồi núi, sau thời gian đóng cửa mỏ, các đơn vị khai thác cũng đã tiến hành hoàn thổ theo quy định. Tuy nhiên, việc phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ cũng gặp không ít khó khăn, số lượng mỏ khoáng sản thực hiện phục hồi môi trường sau khai thác đúng cam kết tiến độ không nhiều. Số mỏ khoáng sản trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu tập trung tại huyện Hòa Vang với 28 mỏ khoáng sản đã kết thúc khai thác. Hiện chỉ có 10 mỏ đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường, các mỏ còn lại vẫn đang tiến hành theo đề án.
Giai đoạn 2021 - 2025 chỉ có 13 mỏ được phép hoạt động. Số lượng mỏ khoáng sản hoạt động tại TP Đà Nẵng đã giảm hơn một nửa nhưng không có nghĩa là môi trường trong và sau khai thác không được kiểm soát chặt chẽ. Phục hồi môi trường sau khai thác mỏ là yêu cầu bắt buộc. Sự chậm trễ dù vô tình hay cố ý đều vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!