Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến người nhiễm HIV

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/11/2021 22:41 GMT+7

VTV.vn - Dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca mắc 10 tháng của năm 2021 tăng cao hơn hẳn so với các năm trước.

Bị lây HIV từ chồng, chị T vẫn gồng gánh nuôi 1 con lớn đang đi học cấp 3, 1 con nhỏ mới 10 tháng tuổi. Trong khi cuộc sống gia đình ngày càng bấp bênh, thu nhập chẳng có. Trước dịch, chị làm công nhân vệ sinh cho một công ty gần nhà nhưng đã hơn 1 năm nay phải ở nhà do mất việc.

"Khó khăn kinh tế nhưng mình vẫn phải cố gắng thôi, may mắn là còn có nhà chồng phụ giúp" - chị T chia sẻ.

Không phải trường hợp nào cũng còn chút may mắn là được gia đình làm chỗ dựa kinh tế như chị T. Chị A là trưởng nhóm Sao Mai, nhóm trợ giúp và tư vấn tâm lý cho hàng chục chị em nhiễm HIV, trong đó rất nhiều em mới ở tuổi vị thành niên. Bản thân chị cũng là người sống chung với H nhiều năm nay.

Chị A cho biết: "Nhiều em gọi đến cho tôi vì bị hết thuốc, rất lo lắng không biết làm thế nào, không đi khám xa được để lấy thuốc. Có cháu rất sợ đi tiêm vaccine vì ngại khai báo thông tin".

Theo bà Gaelle Demolis - Quyền trưởng Đại diện Tổ chức UN Women Việt Nam: "Chúng ta cần đảm bảo rằng những người sống chung với HIV có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị bình đẳng trong đại dịch COVID-19 so với trước đại dịch. Giải quyết bất bình đẳng sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu HIV mà còn thúc đẩy quyền con người của những người có H và giúp xã hội chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các đại dịch khác, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn diện".

Dịch COVID-19 kéo dài làm gi án đoạn điều trị ARV dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, thay đổi phác đồ điều trị rất tốn kém. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người nhiễm H cũng bị ảnh hưởng. Tại các thành phố có nhiều khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nhiều người nhiễm HIV là công nhân trong các doanh nghiệp phải về quê, không tiếp tục thăm khám ở những cơ sở mà họ đang điều trị.

Trước thách thức trong đảm bảo duy trì dịch vụ chăm sóc trong suốt thời gian phong tỏa tại những điểm nóng như ở TP Hồ Chí Minh, một số cơ sở đã nỗ lực để cấp thuốc ARV cho bệnh nhân, khám điều trị online. Trong số hàng nghìn bệnh nhân HIV/AIDS mà họ quản lý, may mắn không ai tử vong.

Điều trị cho người bị HIV tại điểm nóng đại dịch COVID-19

Một buổi khám bệnh online của bác sĩ Lê Thu Thúy (Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội. Toàn bộ việc thăm khám và quản lý bệnh nhân được thực hiện từ xa, các giấy tờ như hồ sơ bệnh án, phiếu cấp thuốc cũng được thực hiện online.

2.200 bệnh nhân được TT Y tế quận Gò Vấp duy trì thăm khám đầy đủ suốt 5 tháng giãn cách xã hội.

Cán bộ y tế phối hợp với mạng lưới tình nguyện viên ở cộng đồng thường xuyên đi cấp thuốc tại nhà cho bệnh nhân. Những khu phong tỏa; cách ly - bệnh nhân vẫn có thuốc sử dụng thường xuyên.

Trên cả nước nhiều cơ sở điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bị phong tỏa trong dịch COVID-19. Những điều phối và hướng dẫn cụ thể trong mọi tình huống không để gián đoạn việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS được đưa ra.

Trở lại quận Gò Vấp, 2.200 bệnh nhân HIV/AIDS được quản lý ở đây đều đã được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID từ sớm. Có những người bị nhiễm COVID-19 song không có ca tử vong nào, tất cả đến nay đều được an toàn.

Trong phòng chống COVID-19, xét nghiệm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mô hình cung cấp test kít tự xét nghiệm HIV thông qua website "tuxetnghiem.vn" được triển khai tại Nghệ An bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Trang web này giúp người dân có thể nhận bộ test kit và tự xét nghiệm HIV tại nhà một cách nhanh chóng, thuận tiện và miễn phí. Đây là một trong những sáng kiến nổi bật trong thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Hỗ trợ tự xét nghiệm HIV

Chỉ cần đăng nhập vào website tuxetnghiem.vn đăng ký nhận test tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng, cho kết quả sau 20 phút, người dùng xem clip hướng dẫn trên trang web hoặc tự đọc đều có thể thực hiện được.

Nếu kết quả âm tính, người thực hiện có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, đặt các vật phẩm như bao cao su, bơm kim tiêm. Nếu kết quả "có phản ứng", bệnh nhân sẽ được tư vấn đi xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Xu hướng lây nhiễm HIV tại Việt Nam chuyển dịch dần từ lây truyền qua đường máu (thường do tiêm chích ma túy…) sang lây truyền qua đường tình dục (đặc biệt tại các nhóm người có hành vi nguy cơ cao như: nam quan hệ tình dục đồng giới, tình dục tập thể có sử dụng các chất ma túy, chất kích thích… thanh thiếu niên…

Việc triển khai mô hình tự xét nghiệm HIV qua trang web giúp thúc đẩy tính chủ động hơn trong xét nghiệm HIV trong cộng đồng.

Từ tháng 4 đến đầu tháng 11 năm nay, mô hình này tại Nghệ An đã có hơn 2,1 nghìn khách hàng tham gia đăng ký nhận test kít tự xét nghiệm tại nhà. Mô hình được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là hiệu quả cao nhất cả nước và cho biết sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam.

Mô hình cung cấp tự xét nghiệm qua mạng như ở Nghệ An cho thấy sáng kiến kết hợp với công nghệ đã phát huy hiệu quả trong việc mở rộng xét nghiệm HIV/AIDS để kịp thời xác định và điều trị, không bị gián đoạn trong bối cảnh giãn cách do COVID-19.

Cùng với sáng kiến này, ngành y tế và cộng đồng cũng đang triển khai các giải pháp quan trọng để phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, giúp những người sống chung với HIV, nhất là phụ nữ, đối tượng dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn.

Đại dịch COVID-19 làm tăng số ca mắc và tử vong vì HIV/AIDS Đại dịch COVID-19 làm tăng số ca mắc và tử vong vì HIV/AIDS

VTV.vn - Liên hợp quốc cảnh báo trong vài năm tới, khu vực Tây và Trung Phi có khả năng sẽ ghi nhận số ca mắc và tử vong do HIV/AIDS tăng lên do đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước