Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm

VTV Digital-Thứ hai, ngày 30/01/2023 11:59 GMT+7

VTV.vn - Du xuân sau 3 năm dịch COVID-19 được khống chế đó là nhu cầu của nhiều người. Nhiều địa phương có lễ hội lớn đã thực sự vào cuộc để chấn chỉnh công tác bảo đảm ANTT.

Nhộn nhịp lễ hội đầu năm

Thói quen du xuân vãn cảnh chùa vốn đã trở thành thứ không thể thiếu với nhiều người trong dịp đầu năm. Nhưng sau 2 năm tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, năm nay, họ mới thực hiện được điều ấy khi đơn giản chỉ là tận tay dâng lễ, thắp hương và cầu xin những điều mong muốn trong năm mới. Vì thế, ngay từ những ngày đầu năm sau Tết, tại các khu di tích, đền chùa ở nhiều địa phương trong cả nước, không khí đã nhộn nhịp trở lại khi đón du khách thập phương du xuân hành lễ.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã đổ về chùa Bái Đính tham quan, lễ phật. Mùa lễ hội năm nay được tổ chức trọng thể cả phần lễ và hội sau 2 năm rút gọn do COVID-19. Kết hợp du lịch tâm linh gắn với lịch sử, nhiều lễ hội đầu xuân được tổ chức, thu hút nhiều bạn trẻ.

Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 1.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 2.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 3.

Bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình - chia sẻ: "Ngoài việc thu hút khách du lịch đến với điểm du lịch tâm linh, các điểm di sản huyện đã xây dựng, huyện sẽ mở thêm tuyến tour du lịch trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh để hướng tới việc phát huy bảo tồn giá trị lịch sử của địa phương".

Trái với cảnh đìu hiu, vắng vẻ để phòng chống dịch COVID-19 như 2 năm trước, một điểm chung tại hầu hết các khu di tích, đền chùa những ngày đầu năm vừa qua là đã nhộn nhịp ngay từ mùng 1. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày sau tết, khu danh thắng Tây Thiên đã đón hàng chục ngàn lượt người dân hành hương đi lễ đầu xuân. Đã 2 năm nay, giờ ở khu di tích này mới tái diễn cảnh tượng đông đúc, xếp hàng mua vé xe điện hay chờ đợi đến lượt đi cáp treo.

Đảm bảo an ninh trật tự tại các khu di tích đầu năm

Trước tình hình thực tế các điểm đến tâm linh có thể quá tải do lượng người đi du xuân tăng lên, ngày 26/1, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự để người dân yên tâm đi lễ. Thực tế ghi nhận trong những ngày qua cho thấy, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm đến tâm linh ở nhiều nơi đã được phía địa phương quan tâm, nhất là chủ động ngăn chặn nạn trộm cắp, móc túi ở khu vực thờ tự đông người.

Những ngày đầu năm, khu vực nội tự trong đền Bà Chúa Kho ở TP Bắc Ninh lúc nào cũng chật cứng người dân đi hành lễ. Nhiều thời điểm, du khách thập phương phải chen chân mới có thể tìm được cho mình một chỗ đứng. Những khu vực như thế này, theo cơ quan công an, có thể là nơi thu hút tội phạm trộm cắp, móc túi hành nghề.

Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 4.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 5.

Lực lượng cảnh sát hóa trang, mật phục bên cạnh các cán bộ chốt trực công khai để tăng cường giám sát. Ban quản lý đền cũng lắp đặt tổng số 48 camera an ninh ở khắp các điểm "nóng" đông người trong khu di tích. Rất nhiều biện pháp được triển khai đã cho thấy hiệu quả khi từ đầu năm đến nay chỉ mới ghi nhất duy nhất 1 trường hợp trình báo bị móc túi tại đền.

Còn tại Khu di tích Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, để đảm bảo an ninh trật tự, trong mùa lễ hội, cụm công an Tây Thiên được thành lập ngay tại di tích để kiểm soát tình hình. Số lượng camera an ninh cũng được lắp thêm gấp đôi để kiểm soát các vị trí thường xuyên xảy ra chen lấn.

Đại diện Ban Quản lý Khu di tích Tây Thiên cho biết, khó khăn lớn nhất về hạ tầng khu di tích hiện nay là chưa có bãi đỗ xe tập trung, nên người dân phải gửi xe ở các bãi xe mà phía UBND thị trấn Đại Đình sắp xếp. Nhiều chốt chặn với barie đã được dựng lên để ngăn phương tiện vào khu vực di tích. Nhưng nếu qua "cò" mồi thì lại là ngoại lệ. Dịch vụ "cò" mồi của các nhà hàng trong khu di tích hoạt động nhộn nhịp, thản nhiên dẫn khách đoàn lọt qua nhiều chốt chặn kiểm soát phương tiện do địa phương quản lý.

Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 6.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 7.

Bà Đặng Thị Hải - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Khi việc này diễn ra, địa phương đã nắm được và đã nhắc nhở. Những ngày sau, chúng tôi sẽ làm triệt để, không để việc này diễn ra để mất đi vẻ đẹp của khu di tích".

Bộ Công an truy quét thực phẩm bẩn tại lễ hội đầu năm

Bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, dẹp nạn cò mồi, chèo kéo hành khách, an toàn thực phẩm tại các lễ hội đầu xuân vẫn là nỗi lo thường trực của người dân, khi không ít gian thương vẫn coi đây là cơ hội để kinh doanh, buôn bán tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho du khách thập phương. Trước tình trạng này, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã tiếp tục lên tiếng cảnh báo và khẳng định đơn vị này đã lên kế hoạch, phương án để truy quét xử lý tình trạng kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn tại lễ hội đầu xuân.

Đại tá Bùi Đức An - Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an - chia sẻ: "Chúng tôi đã lên kế hoạch và sẽ truy quét thực phẩm không đảm bảo an toàn trong các lễ hội đầu năm. Đây là thời điểm mà các đối tượng buôn bán thực phẩm bẩn lợi dụng để bán hàng cho du khách".

Lộn xộn trong ngày khai hội chùa Hương

Chẳng riêng gì những trường hợp gian thương kinh doanh buôn bán thực phẩm bẩn mùa lễ hội, với nhiều người, họ coi lễ hội đầu xuân là dịp làm ăn, kiếm tiền dù trái với quy định. Tình trạng "cò" mồi, chèo kéo khách đi đò hay tình trạng đổi tiền lẻ để ăn chênh lệnh với giá cao vốn là vấn nạn, để lại hình ảnh không đẹp trong lòng du khách mỗi mùa khai hội chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã từng được Chuyển động 24h phản ánh trong nhiều năm lễ hội trước, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn trong những ngày vừa qua.

Loa phát thanh liên tục thông báo nhưng các "cò đò" lại chẳng bận tâm. Dù giá vé đã niêm yết là 130.000 đồng/người, bao gồm vé tham quan chùa Hương và vé đò. Thế nhưng, nhiều lái đò vẫn ép giá du khách.

Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 8.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 9.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 10.

Mỗi người "xin" một giá. Vì chê đoàn ít khách nên du khách ngỏ ý muốn ghép chung đoàn khác nhưng cũng không được chấp nhận. Đoàn ít hay đông thì cũng phải có tiền "bo" cho lái đò. Cứ vài mét lại có một "cò đò" đứng chào mời. Đi đâu, ăn gì, các "cò đò" đều tận tình hướng dẫn, thậm chí sẵn sàng tranh giành để "săn khách".

"Còn nước còn tát", kiểu gì cũng "vợt" được khách. Trung bình những ngày này, chùa Hương có gần 50.000 lượt du khách đến tham quan. Chỉ cần có nhu cầu, mọi dịch vụ đều được đáp ứng. Nói là đổi trộm nhưng vẫn bày cả mâm tiền ra ngoài. Dịch vụ đổi tiền lẻ lấy lãi dù đã cấm nhưng vẫn xuất hiện tại chùa Hương.

Hành hương lễ phật, ai cũng muốn có được không gian tĩnh lặng, trang nghiêm. Thế nhưng dọc dòng suối Yến, đủ thứ âm thanh phát ra. Thậm chí, một số du khách còn ngang nhiên đánh bài, hò hét trên thuyền. Chẳng ai muốn thấy những hình ảnh phản cảm tại một nơi linh thiêng. Và có lẽ cả những hình ảnh thịt thú rừng bày bán tràn lan cũng vậy.

Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 11.
Đảm bảo an ninh trật tự mùa lễ hội đầu năm - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội - cho biết: "Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý một số trường hợp vi phạm. Người dân làm du lịch nên rất khó. Tuy rằng chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều buổi đến các hộ dân trong khu vực rồi nhưng đâu đó vẫn có một số người làm xấu hình ảnh lễ hội chùa Hương".

Vượt đường xá xa xôi đến lễ Phật cũng chẳng dễ dàng gì. Bởi vậy, nếu không giải quyết tình trạng lộn xộn không đáng có thì hình ảnh linh thiêng chốn tâm linh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Niềm vui đi lễ đầu xuân của người dân sau 2 năm đền chùa, di tích đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19 cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng và cấp thiết hơn lúc này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, các bộ ngành và địa phương cũng như doanh nghiệp và người dân phải khẩn trương quay trở lại tập trung ngay vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội. Đó mới là cách hiệu quả nhất để có một năm mới sung túc hơn, tránh theo thói quen "tháng Giêng là tháng ăn chơi" mà lâu nay người dân vẫn truyền tai nhau vào mỗi dịp đầu năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước