Sau 4 ca nhiễm mới COVID-19 tại TP.HCM, hiện nay, gần 170.000 học sinh, sinh viên phải nghỉ học, hơn 6000 cán bộ, giáo viên, giảng viên nghỉ làm. Nếu việc kiểm soát người nhập cảnh không được siết chặt, mỗi cá nhân không có ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình trước cộng đồng thì hậu quả sẽ là khôn lường.
Trong khi đó, trên cả nước, các khu cách ly tập trung vẫn đang tiếp nhận người từ nước ngoài về. Tổng số người cách ly sau khi đi từ vùng dịch về đang được theo dõi sức khỏe là hơn 16.500 người. Việt Nam đang được đánh giá là nước đi đầu, là hình mẫu với các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả nhất trong việc phòng chống COVID-19. Dù vậy, đây là lần đầu tiên, cả thế giới phải ứng phó với một dịch bệnh chưa từng có nên thực tế luôn phát sinh những vấn đề mới nhất là với các khu cách ly tập trung.
Đồ chơi duy nhất của 2 cậu bé ở khu cách ly tập trung là những hạt nhãn được góp lại, phơi khô để giải trí.
Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, dù đã đáp ứng các nhu cầu căn bản của người cách ly nhưng việc đáp ứng những nhu cầu riêng biệt cũng như phòng chống xâm hại cho phụ nữ và trẻ em cần được chú trọng hơn. Việc cải thiện hơn nữa điều kiện tại các khu cách ly tập trung nhằm đảm bảo cho mọi phụ nữ và trẻ em đều được an toàn, khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần.
Trong các khu cách ly tập trung, phụ nữ và trẻ em đến từ nhiều môi trường sống khác nhau. Họ có thể là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Có những phụ nữ và trẻ em đang phải trải qua những vấn đề riêng về sức khỏe, việc làm, gia đình. Việc tiếp tục cách ly tập trung sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về tâm lý. Vì vậy, theo khuyến nghị của Unicef, rất cần tập huấn cho các cán bộ ở các khu cách ly tập trung kiến thức về giới, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Một vấn đề cũng cần được chú ý là tại các khu cách ly tập trung, việc sử dụng mạng Internet cho việc học và giải trí cũng tăng lên kèm theo đó là những nguy cơ từ môi trường mạng. Trẻ em cần được hướng dẫn để phòng tránh, cũng như được chăm sóc kỹ về sức khỏe tinh thần.
Khi cách ly tại gia đình, trẻ em cần được cung cấp những số điện thoại khẩn cấp như 111. Trên thực tế, nhiều em phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Thậm chí, nhiều em đối mặt với nguy cơ bạo hành, xâm hại. Lúc này, trách nhiệm của cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ các em.
Việt Nam vẫn đang được đánh giá là quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo các điều kiện phòng chống COVID-19. Những nỗ lực tiếp tục được đưa ra để ngăn ngừa các vấn đề bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em là cần thiết bởi phòng tránh sẽ không bao giờ là thừa.
Đại dịch không chỉ gây ra những vấn đề về y tế, kinh tế, xã hội mà còn tác động đến nhu cầu cuộc sống của từng đối tượng, nhìn ra sớm các vấn đề này thì các khu cách ly tập trung và trong từng mỗi mái nhà cũng sẽ hạn chế được những nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt khi hồi kết của dịch bệnh chưa biết bao giờ mới đến...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!