Là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn hàng đầu cả nước, Phú Quốc hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng số lao động mới đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì còn yếu. Thực tế này đặt ra bài toán với địa phương về đào tạo đội ngũ lao động chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế.
Sau một thời gian chuẩn bị, Học viện Đào tạo khách sạn tại thành phố Phú Quốc đã chính thức được cấp phép hoạt động với 4 chuyên ngành quản lý nhà bếp, dịch vụ, phòng và khách sạn thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Mô hình đào tạo các kỹ năng của Học viện này được hình thành dựa trên khung năng lực chuẩn của Thụy Sĩ. 6 tháng cho 1 khóa học, mỗi năm, Học viện này sẽ cung cấp cho ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn khoảng 2.600 lao động với tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Báo cáo hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch Phú Quốc cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 28.000 phòng khách sạn, trong đó 18.000 phòng đạt chuẩn trên 5 sao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn quốc tế luôn là thách thức với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo quy hoạch, Phú Quốc được định hướng phát triển thành Trung tâm Du lịch sinh thái tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Phú Quốc đã thu hút gần 300 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó, 200 dự án là du lịch, dịch vụ. Dự báo đến năm 2030, lĩnh vực này sẽ cần khoảng 80.000 lao động.
Do vậy, việc đào tạo nguồn lao động tại chỗ, tránh sự chuyển dịch lao động, là ưu tiên cho sự ổn định lâu dài và bền vững của địa phương này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!