Mùa hè luôn là giai đoạn cao điểm xảy ra các vụ đuối nước ở trẻ em. Tại Việt Nam, đuối nước luôn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5 - 14 tuổi. Điều đáng nói, rất nhiều em trong số này đều đã biết bơi. Bởi vậy, biết bơi là chưa đủ, các em cần trang bị thêm những kỹ năng khác.
Liên tiếp trong những ngày đầu hè tháng 5, những vụ việc đuối nước đau lòng ở trẻ lại tái diễn. Tại những bãi tắm tự phát, không khó bắt gặp những em nhỏ bơi nhưng lại không trang bị áo phao hoặc không có người lớn đi cùng.
Cũng từ những phút bất cẩn chủ quan đó, không ít trường hợp trẻ đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Một em nhỏ 14 tuổi bị đuối nước khi tự ý tắm ở ao, phần vì nghĩ mình đã biết bơi, phần vì tưởng rằng ao chỉ nông không đáng nguy hiểm, đã may mắn thoát khỏi cửa tử. Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời, chưa chắc giờ phút này em vẫn còn được đi bên cạnh mẹ.
Việt Nam trung bình có 2.000 trẻ em bị đuối nước hàng năm, 2/3 trong số đó bị đuối nước trong môi trường ao, hồ, sông, suối. Nhiều trẻ đã biết bơi cơ bản nhưng câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để trẻ biết bơi có thể thoát nạn khi đuối nước?
Theo anh Bùi Bằng Duy - Quản lý chuyên môn một trường bơi ở Hà Nội, điều đầu tiên cần hết sức bình tĩnh, thả lỏng cơ thế. "Khi bình tĩnh rồi các con sẽ chuyển trạng thái úp mặt dưới nước sang tư thế ngửa mặt để ổn định hô hấp và để chân tay có cơ hội phục hồi. Khi các con ngửa mặt lên như vậy sẽ có cơ hội để gọi cứu trợ. Trong tình huống không gọi được cứu trợ, các con dùng động tác chân tay quờ quạng nhẹ nhàng để trở về nơi an toàn".
Ngoài việc học các kiểu bơi, trẻ em cũng nên chú trọng học cách để sinh tồn, trong đó kỹ năng bơi ngửa chính là tấm phao cứu sinh khi trẻ không may gặp nạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!