Tại Việt Nam, chủ đề của ngày môi trường năm nay đặc biệt có ý nghĩa. Việt Nam đang có khoảng 36% tổng diện tích đất tự nhiên, chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa.
Mùa gặt là mùa gần như bận nhất trong năm với thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà. Nhiều năm nay, chị vẫn kiên trì hướng dẫn bà con cách ủ men vi sinh để phân hủy rơm rạ ngay tại ruộng. Bởi đốt rơm rạ không tốt cho đất như bà con nông dân thường nghĩ.
"Chúng ta làm chai đất, thoái hóa đất. Phương pháp đốt khiến diệt hết vi sinh vật ở tầng đất mặt và chúng ta không còn nữa, mà chúng ta chỉ trả lại một chủng thì không thể đủ để giúp nuôi dưỡng đất cũng như giúp cho phòng, chống sâu bệnh cho cây", ThS. Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết.
Xói mòn, khô hạn, hoang mạc hóa, mặn hóa, phèn hóa đều là thoái hóa đất. Tổng diện tích các loại hình này hiện lên tới hơn 11.800 ha. Đây là điều đáng lo ngại khi Việt Nam không phải là quốc gia có chất lượng đất tự nhiên tốt.
Đất là tư liệu sản xuất quan trọng đối với một đất nước khi nông nghiệp, nông dân là thành phần chủ chốt như Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Tốc độ bị ô nhiễm, tốc độ suy giảm về độ phì nhiêu của đất, đặc biệt là những vùng nằm xung quanh các đô thị lớn phát triển rất nhanh. Cùng với số đó, đất đang bị ảnh hưởng của xói mòn ở vùng núi cũng tăng nhanh", PGS.TS. Cao Việt Hà, Bộ môn Khoa học đất và Dinh dưỡng cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay.
Hai hướng giải chính để giảm tỷ lệ thoái hóa đất là giảm ô nhiễm đất và phục hồi sử dụng đất.
"Phải hướng tới thúc đẩy việc thương mại các sản phẩm về rừng và sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, tránh chuyển dịch phát thải và tiến tới suy thoái đất", ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
"Chúng ta đang tập trung xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng chương trình mục tiêu của Chính phủ để giải quyết 3 chất thải quan trọng của chúng ta, đó là chất thải rắn sinh hoạt, nước thải, khí thải", PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, thông tin.
Việt Nam xác định nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế, nhưng không có đất tốt, chúng ta khó có thể có trụ đỡ bền vững.
Đất là tư liệu sản xuất quan trọng đối với một đất nước khi nông nghiệp, nông dân là thành phần chủ chốt như Việt Nam. Nếu không hiểu đất, không cho đất nghỉ một cách khoa học, thì chính người dân phải chịu hậu quả vì mất sinh kế.
Người yêu đất, đất sẽ không phụ người. Khi nhận thức rõ được tầm quan trọng của đất, chúng ta sẽ có cách cư xử phù hợp với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!